QĐND - Chúng tôi rất ấn tượng khi đến nhà ông Võ Tấn Mười (70 tuổi), trú tại tổ 2, thôn 2, xã Cẩm Thanh (Hội An -Quảng Nam) bởi từ trong nhà ra tới ngoài vườn có nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre rất độc đáo, góp phần đa dạng thêm các sản phẩm du lịch của phố cổ Hội An.
Tiếp chúng tôi, ông Mười cho hay, ông nguyên là bộ đội của Mặt trận 4 Quảng Đà, phục viên năm 1976, có thâm niên hơn 50 năm trong nghề tranh tre dừa nước. 12 năm gần đây, lúc “nghề nhàn” ông mày mò, tỉ mẩn chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu là tre để cho ra những tác phẩm độc đáo như các bộ sa -lông hoàn toàn bằng tre với những gốc tre, trối tre uốn lượn như rồng bay phượng múa hoặc các dụng cụ trang trí mỹ thuật bằng tre được chế tác rất công phu như vỏ đựng các chai rượu Tây, các loại đèn ngủ, những con tôm sinh động, còn đẹp hơn con tôm càng thật… Đặc biệt, ông cùng hai người con là Võ Tấn Tân (28 tuổi) và Võ Tấn Phong (26 tuổi) đã chế tác ra những sản phẩm “độc nhất vô nhị”, đó là cái điện thoại bàn loại cổ bằng tre mà sử dụng rất tốt (đã đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tác sản phẩm lưu niệm thành phố Hội An lần thứ 2-2011, do UBND thành phố Hội An tổ chức) hoặc cây đàn ghi -ta mà bề ngoài trang trí bằng tre cũng không kém phần độc đáo, thanh nhã.
Ông Võ Tấn Mười bên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre độc đáo
Ông Mười cho hay, ghế sa -lông bằng tre có 3 loại, thời gian hoàn thành một bộ từ 2 đến 3 tháng, tùy theo từng loại, giá thường khoảng 7 đến 12 triệu đồng /bộ. Đèn ngủ thì có nhiều loại với giá vài trăm nghìn đồng một chiếc. Đặc biệt, theo lời đề nghị của ngành chức năng, ông vừa xây dựng ngôi nhà lưu trú hết sức độc đáo mà hầu hết bằng tre từ ngoại đến nội thất (bàn ghế, giường nằm, đèn ngủ, tủ đứng, điện thoại, đàn ghi -ta… đều bằng tre) với số tiền chỉ hơn 250 triệu đồng nhằm phục vụ du lịch theo dạng “Homestay” (là loại hình du lịch mà du khách sẽ được ở và sinh hoạt chung nhà với người dân).
“Nguyên liệu dùng để chế tác các loại hàng là tre đặc, tre không gãy ngọn mà đích thân tôi lặn lội về các miền quê của Điện Bàn, Đại Lộc để tuyển chọn, tìm mua và mang về ngâm trong nước lợ khoảng một năm, sau đó để khô hoàn toàn rồi mới làm chống côn trùng ăn cũng như nứt, bể... làm hư hại sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của gia đình tôi làm ra không kịp bán, nhất là các khách Tây trực tiếp đến đây mua khá đông. Ngoài ra, các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre này cũng đã theo chân du khách đến mọi miền đất nước và ra nước ngoài xa xôi…” - ông Mười cho biết .
Tại sự kiện Kỷ niệm giao lưu văn hóa Hội An -Việt Nhật lần thứ 10 diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ của gia đình ông được trưng bày tại phố cổ Hội An đã thu hút nhiều khách tham quan đến xem và trầm trồ, khen ngợi.
Hiện nay, dù cao tuổi nhưng ông vẫn say nghề. Do ông có tay nghề cao, các ngành chức năng đặt vấn đề nhờ ông truyền nghề lại cho lớp trẻ. ông vui vẻ nhận lời và mong muốn nghề mỹ nghệ tre sẽ không bị mai một và ngày càng có nhiều bạn trẻ học nghề tâm huyết có thể làm ra các mặt hàng vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa bền chắc và thân thiện với môi trường.
Bài và ảnh: Lê Quốc Kỳ
Nguồn tin: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn