Người con gái Cẩm Thanh

Thứ ba - 20/11/2012 14:36

Chị sinh ngày 2-2-1952, tại xã Cẩm Thanh - Hội An. Năm mười ba tuổi, một ngày khó quên, 15-5-1965, ngày đầu tiên Hóa đã làm một việc thật sự có ích cho cách mạng.

http://baoquangnam.com.vn/images/stories/ct8209.jpg


Ông Đặng Châu và chị Võ Thị Hóa.
 

Chị sinh ngày 2-2-1952, tại xã Cẩm Thanh - Hội An. Năm mười ba tuổi, một ngày khó quên, 15-5-1965, ngày đầu tiên Hóa đã làm một việc thật sự có ích cho cách mạng. Hôm ấy, địch từ thị xã Hội An kéo quân càn vào Cẩm Thanh, hai mẹ con đang ngồi trong nhà, bỗng thấy ba cán bộ và du kích xã tuôn chạy vào nhà bà ngoại của Hóa. Biết sau các chú, các anh là bọn lính ngụy đang truy theo, hai mẹ con nhanh chóng đưa ba người xuống hầm bí mật, đậy nắp công sự, ngụy trang, trước khi bọn chúng ập vào nhà.

Nghi có người trong nhà che giấu, chúng bắt Hóa tra tấn hỏi cho ra ba cán bộ trốn ở đâu? Lần đầu tiên rơi vào tay quân thù, đối mặt với những tên tay sai cho giặc Mỹ, Hóa đã giữ vững khí tiết của một chiến sĩ nhỏ tuổi, bảo vệ được cán bộ cách mạng, từ đó, được lãnh đạo xã Cẩm Thanh đánh giá rất tốt, giao làm đội trưởng đội nòng cốt đấu tranh chính trị, làm tổ trưởng tổ du kích mật và làm chi đoàn trưởng hợp pháp của xã.

Từ cương vị cán bộ xã tin yêu giao cho, Hóa đã nhiều lần cùng các bạn nhỏ, các mẹ chị trong xã đấu tranh trực diện với bọn lính ngụy càn qua đất Cẩm Thanh. Hóa dùng vốn tiếng Anh ít ỏi học được từ các chú cán bộ binh vận, nói chuyện với lính Mỹ, đòi lính Mỹ để bà con đưa những người dân bị chết và bị thương sang Hội An đấu tranh, đòi bồi thường cho những người bị lính ngụy bắn chết, đòi được cứu chữa, điều trị cho nhũng người bị thương.

Trong chiến dịch mùa xuân Mậu Thân - 1968, đồng chí Đinh Văn Hớn, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh giao cho Hóa cùng một tổ giao liên đưa đoàn quân đấu tranh chính trị đi khởi nghĩa, xuống đường đột nhập nội thị. Trên đường tiến quân, bị địch phản kích quyết liệt, bắn vào đám đông, không cho đoàn người tiến lên, Hóa bị thương và bị địch bắt. Hóa đã nói năng, thuyết phục lính ngụy, qua đó Hóa được băng bó vết thương rồi được thả. Hóa liền hòa vào với bà con hợp pháp vận động dân Cồn Chài xin vải, chiếu lo mai táng cho 32 chiến sĩ giải phóng hy sinh trong trận đánh vào quận Hiếu Nhơn…

Tháng 4-1968, trong một trận càn vào xã Cẩm Thanh, địch bắn gãy chân và bắt được anh Ánh du kích xã dẫn đến nhà bà ngoại của Hóa.Vừa đưa Ánh vào đến sân, bọn chúng lên đạn đòi bắn thì Hóa xông vào ôm cứng anh Ánh la khóc, nhận Ánh là chú, xin bọn chúng đừng giết chú. Qua lời lẽ tha thiết, nói chú Ánh là thường dân, bọn lính tin lời Hóa, bỏ đi, Hóa liền băng bó vết thương và lập tức lấy thuyền chuyển Ánh qua bên kia sông, đưa đến nơi an toàn.

Ngày 17-7-1968, máy bay Mỹ ném bom xuống thôn 1 Cẩm Thanh làm chết và bị thương nhiều bà con, Đảng ủy xã phân công Hóa đưa 4 ca thương là 2 người vợ và 2 người con của 2 du kích xã vào Hội An đấu tranh đòi bồi thường, cứu chữa. Đưa đến Bệnh viện Hội An thì một chị chết, Hóa phải ở lại trong bệnh viện vừa chăm sóc và xin ăn để nuôi 2 người con có cha là liệt sĩ gần 2 tháng trời khi lành vết thương mới đưa về nhà.

Ngày 20-11-1968, một trận càn lớn vào Cẩm Thanh, địch đốt nhà giật sụp hầm và xúc dân bám trụ, trong đó có mẹ và bà ngoại đưa về Cửa Đại. Đã 5 giờ chiều, đang ở Cẩm An, Hóa mới nghe tin, rất lo khi biết các anh đang ở trong mấy cái công sự mà mẹ và bà ngoại Hóa có nhiệm vụ bám địch, thông báo tình hình và mở nắp công sự cho các anh, các chú lên. Lập tức, Hóa lấy thuyền bơi về Cẩm Thanh, đào ba cái hầm trú ẩn bị chúng lấp, giở 3 nắp công sự kịp cứu sống 7 cán bộ, du kích sắp chết ngạt.

Ngày 1-1-1969, Võ Thị Hóa nhận quyết định về công tác ở Ban Binh vận thị xã Hội An. Ông Đặng Châu, Thường vụ Thị ủy, Trưởng ban Binh vận thị xã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Võ Thị Hóa. Công việc đầu tiên là làm giao liên hợp pháp, từ đó, tổ chức xây dựng cơ sở hợp pháp trong hàng ngũ binh lính địch. Ngoài nhận chuyển hàng trăm lá thư của Binh vận thị xã cho cơ sở và cơ sở gửi cho cơ quan Binh vận, Hóa còn xây dựng được 9 cơ sở hợp pháp và 8 cơ sở làm nội tuyến. Được Ban Binh vận thị xã giao nhiệm vụ phục vụ cho cơ sở đánh địch, Hóa chuyển vào nội thị được 15 kíp nổ hẹn giờ, 4 khối thuốc nổ, 3 quả mìn plâymo, tham gia cùng nội tuyến đánh 4 trận, diệt hàng chục tên có nợ máu với nhân dân, làm cho bọn tề ngụy khiếp sợ.

Trận đánh bằng một khối thuốc nổ hẹn giờ trong đêm 28-12-1969, vào nhà xã trưởng, làm tên tay sai nầy bị thương nặng. Bị tên Lê Chữ chỉ điểm, ba ngày sau trận đánh, địch đến nhà bắt Hóa đưa về Ty Cảnh sát Hội An. Bị tra tấn cực hình, Hóa một mực không biết. Khi bọn chúng đưa tên chỉ điểm đến đối chất, Hóa xông lại đánh vào mặt tên chỉ điểm. Do kiên cường chịu đòn tra, không nhận làm gì cho cách mạng, chúng giam Hóa 2 tháng thì thả.

Sau thời gian nhận nhiệm vụ của ông Đặng Châu, Trưởng ban Binh vận thị xã, giao cho, Hóa nắm được lượng binh lính địch ở khu dồn thôn 1 Cẩm Thanh. Chỉ có khoảng 30 hộ dân bám trụ bị đưa vào khu dồn, trong khi đó, bọn chúng, ngoài một trung đội nghĩa quân, một trung đội lính Bảo an, một đoàn bình định nông thôn 40 tên, một chi cục cảnh sát 10 tên, một mâm tề cùng hai trung đội phòng vệ dân sự còn có một tiểu đội Mỹ CAP 12 tên. Biết thủ trưởng Châu sẽ cung cấp số liệu nắm được cho an ninh vũ trang thị lên phương án diệt bọn ác ôn kèm kẹp dân, Hóa đề xuất một mình có thể tổ chức một trận đánh, chưa cần đưa lực lượng bên ngoài vào. Nghe Hóa trình bày phương án, ông Châu đồng ý. Sau khi bố trí cho bà ngoại và mẹ Hóa đưa mìn và kíp nổ vào cất giấu trong khu dồn, thì 8 giờ đêm 15-5-1970, khi trung đôi dân vệ tập trung lại họp, sau khi điểm danh, Hóa rời đám đông đến lấy 2 kíp nổ hẹn giờ gắn vào quả mìn, rồi ôm khối nổ vào nơi bọn tề đang tụ tập. Một tiếng nổ vang rền làm rung chuyển cả khu dồn.

Ngay sáng hôm sau, an ninh ngụy bắt chị Bốn, là một phòng vệ dân sự, người được phân công phiên gác lúc mìn nổ, đưa về quận Hiếu Nhơn tra hỏi. Sau đó 2 ngày thì an ninh ngụy đến nhà bắt Hóa. Hóa cắn răng chịu đựng những cực hình khủng khiếp, thà chịu chết, không nhận gì cả.

Hóa trải 13 lần bị bắt bị tra tấn, lần ít nhất, bị giam 2 tháng, nhiều nhất bị giam 14 tháng, qua các nhà giam quận Hiếu Nhơn, Ty Cảnh sát, Ty Thẩm vấn Hội An, Kho đạn Đà Nẵng và Nhà giam thiếu nhi ở Đà Lạt. Trong 6 lần bị tra tấn khốc liệt, có một lần Hóa cho là thâm độc nhất vì chúng đưa mẹ Hóa vào cuộc tra hỏi lừa lọc.

Ngày 26-2-1971, đồng chí Đặng Châu gọi Hóa về cơ quan họp, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác binh địch vận. Chương trình dự kiến trong 5 ngày, nhưng chỉ họp được 1 ngày thì được tin địch bắt 2 người bạn của Hóa là cơ sở ở khu dồn Cầm Thanh. Qua tra hỏi, hai cô cơ sở khai Hóa là cơ sở của Lê Công Hiểu, đội trưởng đội công tác Cẩm Thanh. Địch đến nhà, không có Hóa ở nhà, chúng theo dõi đến ngày 1-3-1971, khi Hóa vừa về đến nhà thì bắt đưa về quận Hiếu Nhơn. Suốt 4 ngày tra hỏi, Hóa một mực không khai. Trưa ngày 4-3-1971, chúng cởi áo, bịt mắt, trói hai tay, dẫn Hóa về nhà. Trước mặt mẹ và bà con đến xem, một tên nói: Bà con biết không, con Hóa đã khai hết cơ sở của nó rồi. Nay, nó đưa về nhà để lấy tài liệu và chất nổ. Sợ mẹ và bà con lầm âm mưu của bọn chúng, Hóa liền nói: “Không đâu má, con không biết chi cả, các ổng nói thêm đó…” Hóa chỉ nói được như vậy thì bọn chúng xông vào đánh Hóa tới tấp. Tay bị trói, mắt bị bịt kín, chúng đá, đạp, dùng roi tre quất tới tấp lên người làm da thịt Hóa rách tước, máu me dầm dề. Đến trưa, hai tên xốc Hóa lên kéo đi ra bãi cát ở thôn 1 Cẩm Thanh, đào hục thả Hóa xuống, dọa sẽ chôn sống, Hóa cũng không khai, chúng kê súng bắn uy hiếp, Hóa cũng chỉ nói: “Các ông có giết tôi cũng vậy thôi, tôi có biết chi đâu mà khai”. Chúng đào cát, kéo Hóa lên, băng bó vết rách vì lưỡi cuốc đào đất va vào người. Bọn hội đồng khuyên Hóa có chi khai thì chúng sẽ giúp đỡ. Hóa vẫn một mực: “Có biết gì đâu mà bảo thành khẩn, các ông đánh đập hành hạ tôi cho thân tàn, tan nát thịt da như thế này mà bảo thương với hại tôi là sao?” Chúng đưa Hóa vào nhà bà Nghiên ở trong khu dồn, giao cho nghĩa quân canh giữ, cột Hóa vào cây cột nhà. Đến 5 giờ chiều thì bọn hội đồng Cẩm Thanh kéo đến, mở băng bịt mắt, nói với Hóa: Đúng 10 giờ đêm nay thì Ban 2 sẽ xử tử em, nhưng các anh thấy thương em, em chết bỏ mẹ già ai nuôi, dại gì để họ giết. Em thành khẩn khai thì các anh xin tha tội chết cho em. Hóa nói: “Tôi biết gì mà các ông cứ bảo tôi thành khẩn mãi. Các ông có để tôi sống thì tôi làm nuôi mẹ tôi, còn các ông giết tôi chết thì thôi. Tôi không làm chi cả mà các ông buộc tội cho tôi, các ông nói bảo vệ dân nhưng chính các ông lại giết dân vô tội”.

Toàn thân đau nhức, Hóa nghĩ làm sao có thể cầm lựu đạn chạy xông vào bọn địch làm nổ tung diệt bọn chúng rồi hy sinh. Cách chỗ Hóa không xa, Hóa nghe tiếng mẹ phân trần với bọn hội đồng: “Con tôi có tội tình chi mà các ông hành hạ con tôi như vây? Nó còn con nít, biết chi Việt cộng mà các ông đánh con tôi tàn tệ thế kia?” Mẹ lăn vào sát Hóa khóc la thảm thiết làm Hóa bật khóc theo. Hóa động viên mẹ: “Má đừng khóc, có chi con chịu, má đừng lo”. Hóa nói với bọn chúng: “Các ông mở mắt tôi ra để tôi nhìn mẹ tôi, chứ bốn năm ngày rồi tôi chưa được nhìn mẹ”. Nghe Hóa nói, mẹ Hóa giật tấm băng bịt mắt ra. Hóa òa lên khóc, khuyên má Hóa đừng khóc nhưng Hóa không tài nào ngăn được nước mắt trào ra...

Tối đó, bọn chúng lại bịt mắt Hóa dẫn đi. Sau những động tác như tiếng hù dọa, tiếng thúc đi, tiếng súng nổ, tiếng xác người bị ném xuống sông, tiếng gọi cho Ban 2 xin ý kiến… Khi chúng gí súng vào hông, hô bắn thì Hóa la to: Bà con ơi, bọn chúng giết tôi rồi. Đồ giết người, lũ giết dân vô tội. Bọn chúng a vào đánh Hóa tới tấp cho đến mê man thì kéo Hóa về cơ quan hội đồng Cẩm Thanh.

Khuya ngày 5-3-1971, bọn chúng đưa Hóa về nhà, gọi má Hóa dậy, nói: Bà nhìn mặt con gái bà lần cuối. Bà thấy đó, hắn nhận làm Cộng sản, hắn dẫn về nhà lấy tài liệu, lấy chất nổ. Thấy mẹ nhìn nghi ngờ, Hóa lắc đầu, nói: “Các ông nói dối mẹ tôi, tôi không giấu chi hết…” Vừa nói như thế thì bọn chúng đánh tới tấp, chửi bới, đòi nhổ răng Hóa… Bọn chúng đưa Hóa đến nhà ông Trần Kiểu giao cho nghĩa quân giữ, đến sáng hôm sau, chúng giải về quận Hiếu Nhơn, đưa qua Ty thẩm vấn rồi đưa vào lao Hội An, sau đó đưa ra lao Kho đạn Đà Nẵng rồi đưa vào giam ở Nhà giam thiếu nhi ở Đà Lạt cho đến ngày 10-4-1972 mới thả.

HỒ DUY LỆ


 

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VIDEO HỘI AN
  • Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh Hội An
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần II
  • Đất và người Cẩm Thanh
  • Tham quan sông nước Cẩm Thanh
  • Dân ca Bài chòi ở Hội An
  • Nghệ thuật xếp lá dừa
  • Ẩm thực chợ phiên Hội An thế kỷ XIX
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần I
  • Cuộc sống quê xưa
  • Cẩm Thanh - mảnh đất anh hùng
Thăm dò ý kiến

Chất lượng dịch vụ phụ vụ quý khách

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay8,395
  • Tháng hiện tại201,640
  • Tổng lượt truy cập16,876,498
Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây