Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Thanh đầy mưa bom bão đạn - một vùng đất thép của quân dân Hội An trong kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc cao độ, Huỳnh Thị Lựu sớm giác ngộ cách mạng. Chị tham gia vào đội du kích quê nhà khi còn rất trẻ. Lúc đầu làm giao liên, sau đó chuyển sang làm y tá. Mặc cho mưa nắng, sớm khuya, mặc cho bom đạn ác liệt, bao giờ Lựu cũng làm việc hăng say và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi thì tay xách nón, túi mang lựu đạn da láng chạy đi chạy về chuyển công văn hỏa tốc, đưa đón cán bộ; khi thì tay cầm súng ngắn, giả trang đi diệt cảnh sát ác ôn… Lựu rất thương yêu đồng chí, đồng đội và ngược lại cán bộ, đồng đội rất quý mến, thán phục Lựu.
Sau đó, Lựu tham gia vào bộ đội địa phương, được giao nhiệm vụ làm Y tá trưởng Đại đội 2 đặc công của thị xã Hội An. Hơn 2 năm, Lựu đã theo đơn vị tung hoành khắp nơi: lúc đánh vào nội ô, lúc tập kích vào đồn bót địch, chống trả các cuộc hành quân càn quét… Hầu như trận nào Lựu cũng có mặt, vừa chiến đấu với kẻ thù vừa chăm sóc cho thương binh.
Đầu xuân Kỷ Dậu (1969), Lựu theo đơn vị đánh chiếm nội ô thị xã. Chỉ trong 1 ngày 2 đêm đơn vị đã làm chủ toàn bộ trận địa với hàng chục lần đánh địch phản kích. Vừa cứu chữa, băng bó cho anh chị em bị thương, Lựu còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và tiêu diệt hàng chục tên địch. Trong một trận phản kích của địch với 3 lần đánh trả, Lựu bị thương rất nặng, máu ra nhiều, sức lực giảm, súng hết đạn, địch lại tăng quân bao vây chặt nơi Lựu đang ẩn nấp. Tình thế nguy ngập, quyết không để giặc bắt sống và không để vũ khí rơi vào tay giặc, bình tĩnh chờ cho bọn địch đến thật đông Lựu dùng hết chút sức lực còn lại đập gãy khẩu AK và tung quả thủ pháo cuối cùng. Hàng chục tên địch chết và bị thương nhưng Lựu cũng đã anh dũng hy sinh…
Đó là những điều mà đồng đội và người thân biết nhiều nhất về Huỳnh Thị Lựu -người nữ cứu thương của Đại đội 2 - đại đội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng có lẽ tình cảm mà mọi người dành cho chị thì nhiều vô kể. Một cô giao liên rồi một cô y tá trẻ trung, yêu đời, hết lòng vì đồng đội, chiến đấu dũng cảm hăng say… đã để lại trong lòng nhân dân Cẩm Thanh và chiến sĩ Đại đội 2 những ấn tượng khó phai mờ. Tấm gương của chị đã được khắc họa và ngợi ca ngay trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang hồi quyết liệt qua bài dân ca, bài chòi mà ai ai cũng hát: “Có người con gái quang vinh, hiên ngang như đất quê mình Cẩm Thanh… Lựu vai mang túi thuốc, súng cầm tay. Lựu băng lửa đạn, Lựu mê say diệt thù”. Và mãi đến hôm nay, những câu chuyện về chị, hình ảnh của chị như vẫn còn hiển hiện đâu đây. Cứ mỗi cuộc gặp mặt truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân, của cựu chiến binh, của các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hay những cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng ở thị xã… chúng tôi lại được nghe mọi người kể về chị, nói về chị với niềm tự hào yêu thương, với những cung bậc và sắc thái tình cảm đa chiều của người dân phố Hội.
Trong tác phẩm ca vũ kịch “Người con gái quê hương” của tác giả Phùng Tấn Đông và Hoàng Tú Mỹ đã được nhiều đơn vị dàn dựng, tôi nhớ mãi đoạn nhạc lắng đọng, thiết tha: “Chuyện về em người nữ cứu thương, giữa đêm Hội An theo đoàn quân giải phóng. Một góc phố rêu dưới làn mưa đạn, một mình em chiến đấu ngoan cường…”. Và cũng thật lạ lùng là diễn viên nào khi hát sô-lô tác phẩm cũng diễn tả bằng tất cả tấm lòng và những xúc cảm thiêng liêng nhất của mình dù chưa một lần biết mặt chị nên hiệu quả nghệ thuật được nâng lên rõ nét. Không chỉ có những diễn viên hát như Duy Dũng (Minh An), Viết Lĩnh (Cẩm Phô), Duy Mạnh (Công ty Du lịch dịch vụ)… mà cả những diễn viên múa khi thể hiện nhân vật chị Huỳnh Thị Lựu như Mỹ Phương (Minh An), Kim Lâm (Phòng Giáo dục), Kim Oanh (Cẩm Thanh)… cũng mang một tâm trạng tương tự nên sắc thái biểu đạt trong ngôn ngữ múa cũng xúc động hơn. Đó phải chăng cũng là tấm lòng và tình cảm tri ân sâu sắc mà lớp trẻ Hội An hôm nay dành cho chị ?...
Tấm gương chiến đấu và hy sinh cùng những cống hiến của chị Huỳnh Thị Lựu đã lưu danh cùng các thế hệ mai sau của quê hương Hội An. Năm 2006 vừa qua, chị đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và chị vẫn còn sống mãi cùng với mảnh đất và con người Hội An, Cẩm Thanh anh hùng - nơi chị đã cất tiếng khóc chào đời, đã chắp cho chị đôi cánh của niềm tin, của nghị lực. Và nơi ấy bây giờ đã có một ngôi trường THCS, một con đường mới mở mang tên người nữ y tá anh hùng - Huỳnh Thị Lựu…
ĐỖ HUẤN
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn