Từ xa xưa, mảnh đất Cẩm Thanh, Hội An được biết đến như một trang sử, một bức tranh đẹp về người lao động trên sông nước: Hình ảnh người phụ nữ địu con chèo xuồng bán mắm, người đàn ông ngực trần rám nắng kéo từng mẻ lưới nặng tay, các cụ già ngồi bỏm bẻm nhai trầu trước những căn nhà dừa... Nay, Cẩm Thanh đã “thay da đổi thịt”, trở thành một vùng đất với nhiều tiềm năng du lịch. Nhưng đâu đó trên mảnh đất này, vẫn có nhiều người cả đời tha thiết gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Trong đó, nghề làm mắm là một điển hình.
Nhìn từ khu du lịch Thuận Tình sang hộ làm mắm của ông Lâm Cống (60 tuổi, trú tại thôn 2, xã Cẩm Thanh, Hội An), thấy một người mái tóc hoa tiêu, vóc dáng bé nhỏ đang lom khom bên nồi mắm to đang nhấp nhổm cùng thổi lửa. Tuy đã vào độ tuổi 60, nhưng trông ông Cống vẫn còn khỏe mạnh và dẻo dai lắm. Trong khi nhiều gia đình ở đây đã bỏ nghề làm mắm cổ truyền, để làm những nghề theo xu hướng thị trường, thì ông Cống vẫn quyết tâm bám nghề.
Vốn là một người theo nghề nuôi trồng thủy sản, nên ông đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên, và kiến thức sẵn có để làm nền móng cho nghề làm mắm. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, mắm ông Cống nổi tiếng ở khắp vùng. Bằng bàn tay, khối óc, tình yêu, sự hăng say lao động, ông đã tạo ra thương hiệu mắm cho riêng mình. Có tận những người khách ở xa xôi địa đầu Tổ quốc như Cao Bằng, Lai Châu... mỗi khi du lịch qua đây đều không quên ghé lại mua mắm ông Cống mang về biếu họ hàng, làng xóm. Và đó cũng là một động cơ để ông gắn bó lâu dài với nghề làm mắm cổ truyền.
Ông Cống thường làm nhiều loại mắm như mắm tôm, mắm cáy, mắm bê thui..., mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 500 lít nước mắm. Cuối năm, mắm thường bán chạy nhất, với số lượng lên đến 300 lít mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, khi những chiếc tàu chở cá cập bến, ông lại ra mua cá tươi về sơ chế. Ông thường được chọn để chế biến mắm là các loại cá cơm như, cá cơm sọc tiêu, đỏ, than, chì. Cá nhiều nhất là vào độ tháng ba Âm lịch. Khi chọn cá ông thường chọn loại cá to, mập và tươi để chế biến mắm cho thơm ngon và giàu chất đạm.
Vào độ tuổi của ông, người ta đã nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu. Nhưng với ông, nghề làm mắm có gì đó thiêng liêng lắm, khiến ông không thể bỏ được. Ông cho rằng, nghề làm mắm tuy vất vả, nhưng được cái là ổn định, mang lại thu nhập cho gia đình. Khách khứa ra vào mua mắm, nói chuyện rôm rả, ông xem như là niềm vui tuổi già, để sống có ích hơn.
Ông Cống cho biết: Trước kia, tôi làm nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản, được kế thừa nghề làm mắm của cha ông, thêm vào đó nguồn cá, tôm tự nhiên rất nhiều nên vào mùa đánh bắt nên tôi muốn tận dụng “nguồn hàng” mà thiên nhiên ưu ái dành cho mảnh đất này. Hơn tất cả, tôi muốn làm được một việc gì đó để góp phần vào việc nâng cao chất lượng mắm quê nhà, mang lại cho người tiêu dùng một hương vị mắm riêng của người Hội An. Suy nghĩ đó được tôi ôm ấp từ khi còn trẻ, nên tôi đã bắt tay vào làm luôn cho đến bây giờ.
Bên ngôi nhà đơn sơ, đầy chum vại đựng mắm, là hình ảnh cặp vợ chồng già nghỉ hưu ngày ngày say sưa với nghề chế biến các loại mắm và nước mắm. Hàng ngày, từ sớm tinh mơ, khi sương còn giăng mắc đầy trên những thân dừa nước ven sông, ông Cống đã cùng vợ thức dậy bắt đầu công việc. Sau đó, vợ ông gánh mắm bán dạo trên các nẻo đường góc phố Hội An. Cũng có lúc, những chum, thùng mắm của hai vợ chồng già bồng bềnh trên những chuyến đò ngang lên tận các vùng núi Quảng Nam như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn...
Vừa khuấy từng vại mắm, vừa phì phà điều thuốc lá quấn vội, ông Cống chia sẻ: Nghề làm mắm thủ công cũng chẳng khó lắm đâu. Cũng giống như bao nghề khác, chỉ cần yêu nghề, kiên nhẫn thì có thể làm được. Đồng thời phải biết tận dụng thế mạnh của tự nhiên và kiến thức từ cuộc sống, từ công việc thì sẽ thành công. Đó là nền tảng để tôi duy trì nghề làm mắm 20 năm nay. Làm mắm thì khâu quan trọng nhất là chọn cá. Ông bà ta thường nói “Tháng 3 cánh váng, tháng 7 vàng rơm”, nên chọn cá cơm tháng 3 là ngon nhất. Sau đó mang về rửa sạch, ướp theo tỷ lệ 3 cá 1 muối, ủ đến 9 tháng, lấy kính rồi sẽ thành phẩm. Trong quá trình ủ, mỗi tháng phải lấy thanh gỗ dài trộn cho cá chín đều là được.
Nụ cười móm mém trên gương mặt hồn hậu của ông Cống, cộng với hương vị đậm đà từ những giọt nước mắm như tăng thêm nét đẹp, thêm sức hút đối với những người khách thập phương khi đến với mảnh đất này, mảnh đất đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa. Và còn có biết bao người như ông Cống, đã góp phần làm đẹp cho tình đất, tình người nơi đây.
Bài và ảnh: Tường Thành
Nguồn tin: Banduong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn