Chiến tranh lùi xa đã nhiều năm, nhưng hôm nay khi nói đến chiến công của quê hương, những người con Cẩm Thanh vẫn không quên nhắc đến Thiếu tá Huỳnh Phước Cư - nguyên Chính trị viên phó Thị đội Hội An, người đã có công lớn trong trận đồng khởi giải phóng xã Cẩm Thanh. Năm 1957, trước tình hình nhiều cơ sở của ta bị chính sách “tố cộng - diệt cộng” của địch phá vỡ, cấp trên đã quyết định cài ông vào hoạt động bí mật trong lực lượng dân vệ xã Cẩm Thanh. “Khi nhận nhiệm vụ tôi rất phấn khởi, bởi cấp trên có tin tưởng mới giao nhiệm vụ quan trọng như vậy”, Thiếu tá Cư kể. Đúng 0 giờ ngày 27.9.1964, khi nhân dân Cẩm Thanh với súng bẹ dừa tiến về cơ quan Hội đồng xã, Huỳnh Phước Cư đã cùng 2 lính nội tuyến bí mật vào kho lấy 7 khẩu súng và 14 quả lựu đạn chuyển ra trang bị cho lực lượng cách mạng. Sau đó, ông đã mưu trí giấu toàn bộ vũ khí của lực lượng dân vệ xã. Và chính ông đã dùng đèn pin ra ám hiệu cho lực lượng của ta xông vào kết hợp với lính nội tuyến nổ súng tấn công cơ quan Hội đồng xã, giải phóng Cẩm Thanh. Sau trận đánh này, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì.
Đổi thay quê dừa Bảy Mẫu Vượt qua khó khăn, mảnh đất Cẩm Thanh hôm nay đã “trở mình” với bao đổi thay kỳ diệu. Những vùng đất bị bom đạn kẻ thù cày xới giờ đã trở thành những cánh đồng lúa xanh tươi. Đường nhựa, đường bê tông thẳng tắp, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế được xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt quê hương Cẩm Thanh. Rừng dừa Bảy Mẫu - căn cứ cách mạng trước kia giờ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương và người dân. Hiện nay toàn xã có hơn 100ha diện tích mặt nước được sử dụng để nuôi trồng thủy sản, với sản lượng hơn 100 tấn/vụ; riêng năm 2011, tổng giá trị toàn ngành đạt gần 40 tỷ đồng. Năng suất lúa bình quân vụ đông xuân 2012 của toàn xã đạt 60 tạ/ha... “Có được những thành quả như hôm nay là nhờ sự đồng thuận cao của chính quyền và nhân dân, nhờ ý chí tự lực, tự cường của những người con trên mảnh đất anh hùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để xây dựng quê hương, trước mắt là xây dựng thành công mô hình nông thôn mới” - ông Trần Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nói. |
Nhắc đến Huỳnh Phước Cư, người ta cũng không quên nói về trận phục kích trung đội Hải thuyền địch tại cầu Phước Trạch (xã Cẩm An) do ông chỉ huy, vào ngày 2.2.1965. Khi ta nổ súng, địch chống cự quyết liệt để chờ quân chi viện. Thiếu tá Huỳnh Phước Cư nhớ lại: “Lúc đó đã là 8 giờ sáng, ta ở trên cao bắn xuống nên không hiệu quả. Cứ điểm của địch cách đó không xa, nếu không đánh nhanh thắng nhanh, khi quân chi viện của địch đến thì chắc chắn ta sẽ gặp khó khăn. Nghĩ vậy nên tôi bất ngờ lăn từ trên dốc xuống tiếp cận tiêu diệt tên trung úy chỉ huy và hệ thống thông tin điện đài của địch. Mất chỉ huy, mất hệ thống thông tin nên bọn địch hỗn loạn, không còn khả năng chiến đấu. Trong trận này, sau 30 phút, ta đã diệt 19 tên địch, thu 7 súng các loại”. Tiếp đó, tháng 5.1967, Huỳnh Phước Cư chỉ huy đơn vị triển khai đội hình phục kích tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ xuống xã Bình Đào, diệt 46 tên. Trận đánh đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân Hội An nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung, khi một trung đội của ta đã đánh bại cả một tiểu đoàn lính Mỹ.
Mỗi người dân Cẩm Thanh cũng luôn tự hào về Huỳnh Thị Lựu, người con gái của quê dừa Bảy Mẫu đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đồng chí, đồng đội, bảo vệ quê hương. Liệt sĩ Huỳnh Thị Lựu sinh ngày 15.10.1943 tại thôn 2. Đêm 22 rạng sáng 23.2.1969, chị tham gia chốt đánh địch tại miếu Ông Cọp (nay thuộc phường Tân An - TP. Hội An). Trong lúc ta đã làm chủ trận địa, địch huy động lực lượng tiếp viện có xe tăng, xe bọc thép hộ tống. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, chốt giữ của chị có một người hy sinh, một người đã bị thương nặng. Chị cũng đã 2 lần trúng đạn nhưng vẫn cầm súng chiến đấu. Đến khi súng chị hết đạn, địch xông tới hòng bắt sống, Huỳnh Thị Lựu đã gắng sức đập nát khẩu súng của mình rồi mở chốt quả lựu đạn cuối cùng chờ địch tới. Trước khi hy sinh chị đã hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm”. Hy sinh khi mới vừa tròn 26 tuổi, tham gia gần 20 trận đánh lớn nhỏ. Liệt sĩ Huỳnh Thị Lựu đã được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trên mảnh đất Cẩm Thanh, còn có rất nhiều người con anh hùng đã anh dũng hy sinh để giải phóng quê hương. Máu và xương của họ đã thấm vào từng tấc đất quê hương, tô đẹp thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của quê dừa Bảy Mẫu.
Tác giả bài viết: PHAN SƠN
Nguồn: baoquangnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn