Cây dừa nước Cẩm Thanh

Thứ năm - 21/11/2013 10:22

Cẩm Thanh là xã vùng ven biển, nằm cách trung tâm thành phố Hội An chừng 3km về phía Đông Nam. Theo số liệu năm 2003, Cẩm Thanh có tổng diện tích tự nhiên là 879,51ha, dân số khoảng 6.574 người, chia thành 8 thôn.

Nằm ở địa thế bốn bề là sông nước, khí hậu nơi đây mang tính đặc trưng của khí hậu ven biển, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, các tháng còn lại mưa ít và khô hạn. Địa hình Cẩm Thanh thuộc dạng địa hình ven biển, bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt và là vùng đất nằm giữa nơi hợp lưu của hạ nguồn sông Thu Bồn, Đế Võng, Trường Giang. Vùng nước này thường xuyên nhiễm mặn, đây là điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển. Đặc biệt, một loại dừa nước sinh sôi nảy nở thành những rừng dừa dọc khắp các bờ sông, mương, tạo nên màu xanh mát đặt trưng nơi đây. Dừa nước có tên khoa học là Nypa fruticans còn được gọi là Attap palm là loài duy nhất trong họ Cau (Are caceae) sinh sống trong đầm lầy.
Hiện nay, tại Cẩm Thanh chưa tìm thấy một tài liệu nào cho biết dừa được trồng từ khi nào và lấy ở đâu, nhưng theo một số người dân lớn tuổi tại địa phương cho biết cây dừa nước có nguồn gốc xuất xứ từ Nam Bộ, do những thương lái buôn ghe bầu tại địa phương mang về trồng ở vùng ngập mặn. Cây dừa trồng đầu tiên tại đây khoảng trên 200 năm. Qua thời gian, cây dừa sinh trưởng phát triển tốt thích nghi với môi trường nước lợ chua, mặn của vùng đất Cẩm Thanh. Ban đầu, dừa được một số người dân địa phương trồng từng cụm nhỏ dọc theo các sông, mương, về sau chúng phát triển thành rừng dừa nước bạc ngàn, quanh năm xanh tốt. Hiện nay cây dừa nước được trồng phổ biến, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, thôn Vạn Lăng mà người dân thường gọi là Rừng Dừa Bảy Mẫu.
Cây dừa nước mọc thành từng cụm trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, phần rễ nằm sâu dưới lướp bùn đất, hệ thống rễ chằng chịt, thân cây cũng ngầm xuống nước và đất, chỉ có phần lá và cuốn hoa mọc lên trên, tàu dừa dài từ 5 đến 8m gồm cuống lá tròn, dài, phần trên bẹ lá phình to. Hoa cái nở thành chùm, ở đầu cụm hoa hình cầu, hoa đực màu cam hoặc vàng dạng đuôi sóc. Khi hoa thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như hình cầu, đường kính từ 25 đến 30 cm. Mỗi buồng có từ 40 - 60 quả, trong quả có cơm màu trắng, mềm, khi quả già cơm cứng lại. Quả dừa nước già khô sẽ rụng xuống đất và phân tán theo thủy triều, có khi mọc mầm ngay khi trôi nổi. Cây dừa nước từ khi trồng đến khi ra hoa tựu quả khoảng 10 năm trở lên.
Lúc đầu người ta đem dừa về trồng để chắn sóng, chắn gió nhưng qua thời gian với nhu cầu của cuộc sống, người dân Cẩm Thanh đã biết vận dụng cây dừa để làm vật che nắng, che mưa. Dần dần nghề làm nhà bằng cây dừa nước đã phát triển, chính vì thế cây dừa nước từ lâu đã trở thành nguồn kinh tế chính cho người dân Cẩm Thanh. Tuy nhiên, với nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao, nhà dừa dần được thay thế bằng nhà xây gạch, ximăng và lợp ngói, khiến nghề khai thác, làm nhà dừa trở nên bấp bênh. Thế nhưng khi ngành du lịch phát triển, nhu cầu làm nhà dừa và các sản phẩm du lịch từ cây dừa nước lại phát triển mạnh, kể từ đó nghề làm tre dừa khôi phục và phát triển, ổn định đầu ra và tăng nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
https://lh5.googleusercontent.com/-iIVuITxgaU8/UeyPvnl61yI/AAAAAAAAAGg/z86i3Uv7JB4/s912/DSC_0274.jpg

Thông thường, mỗi năm người ta khai thác lá dừa 2 lần vào tháng giêng, 2, 3 và tháng 8, 9 âm lịch. Khi khai thác người ta đốn các tàu dừa già (nằm phía ngoài lá có màu xanh sậm) chừa lại các tàu dừa non (lá có màu xanh như lá chuối non) để nuôi tàu dừa con phát triển. Thân, phiến lá là nguyên liệu chính để làm tranh lợp nhà, làm phên, bức phong, làm dù che mát… ngoài ra thân, bẹ dừa còn tận dụng làm củi đốt. Quả dừa khi cơm vừa sít ăn rất ngon, mềm, nước có vị ngọt nhẹ, có thể chế biến món chè dừa. Ngoài ra theo Đông y, trái dừa nước có công dụng tương đương dừa gáo, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt.
Cùng với sự phát triển của Rừng Dừa Bảy Mẫu, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Cẩm Thanh là môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản vùng cửa sông ven biển sinh sản và phát triển, đồng thời đây cũng là nơi ngăn gió, trốn bão an toàn cho các tàu thuyền của ngư dân trong vùng. Bằng sự tái tạo của tự nhiên, sự quan tâm phục hồi của cư dân địa phương, từ vài cây dừa, theo thời gian đã phát triển thành rừng dừa trù phú, tươi mát, trong lành của vùng sông nước mang vẻ đẹp của vùng quê yên bình. Nắm bắt được xu thế phát triển du lịch trong thời gian gần đây, loại hình du lịch làng quê sinh thái là lựa chọn của nhiều du khách khi đến Hội An, người dân địa phương đã bắt đầu làm du lịch theo các tour đường làng, đường thủy, chèo thuyền ngắm cảnh dừa nước xanh, tươi mát, thăm làng nghề truyền thống, sản phẩm được làm từ dừa đã để lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi dừng chân tại đây.
Cây dừa nước đã trở thành tài sản vô giá được người dân địa phương gìn giữ và bảo tồn tốt trong thời gian qua. Cẩm Thanh cũng đang từng bước đẩy mạnh lợi thế từ sản phẩm này và đây cũng là chiến lược đầu tư lâu dài để phát triển kinh tế, phát triển du lịch nâng cao đời sống của người dân địa phương♣ 
 
* Tài liệu tham khảo:
  - Báo cáo điều tra, sưu tầm nghề tranh tre dừa Cẩm Thanh - Quảng Văn Quý.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Ngọc Hương

Nguồn tin: hoianheritaget.net

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VIDEO HỘI AN
  • Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh Hội An
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần II
  • Đất và người Cẩm Thanh
  • Tham quan sông nước Cẩm Thanh
  • Dân ca Bài chòi ở Hội An
  • Nghệ thuật xếp lá dừa
  • Ẩm thực chợ phiên Hội An thế kỷ XIX
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần I
  • Cuộc sống quê xưa
  • Cẩm Thanh - mảnh đất anh hùng
Thăm dò ý kiến

Chất lượng dịch vụ phụ vụ quý khách

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay7,431
  • Tháng hiện tại99,152
  • Tổng lượt truy cập16,245,020
Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây