Thôn 5, Cẩm Thanh là nơi đang bảo tồn nhiều di tích có giá trị lịch sử đặc biệt liên quan đến lịch sử các triều đại phong kiến trước đây như Khu mộ Thứ phi vua Quang Trung triều Tây Sơn và mộ ông Lê Duy Trì - con của vua Lê Duy Đàm triều Hậu Lê mà người dân địa phương thường gọi là Mộ Tổ tộc Lê. Cả hai di tích trên đều được công nhận là di tích cấp quốc gia. Trong đó, mộ Tổ tộc Lê là một di tích góp phần phản ánh một giai đoạn lịch sử đặc trưng của triều Hậu Lê và phản ánh quá trình phát triển cộng đồng dân cư Cẩm Thanh.
Ngôi mộ tổ tộc Lê tọa vị giữa cánh đồng lúa của thôn 5 - Cẩm Thanh, đây là nơi an táng ông thuỷ tổ tộc Lê ở Thanh Châu xưa, đó là ông Lê Duy Trì. Theo văn bia, di tích đã qua một số lần tu bổ, tiêu biểu vào năm 1930 (Bảo Đại ngũ niên); Năm 1962, xây thành mộ và đắp lại nấm; Năm 1989, tộc họ đứng ra tu bổ lại ngôi mộ xung quanh và nhà bia phía trước.
Tương truyền, ngôi mộ trước đây được xây dựng rất bề thế nhưng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và những cuộc chiến tranh nên hiện trạng ngôi mộ bị thu hẹp. Bước vào ngôi mộ, ta gặp ngay một nhà bia, bia có hai mặt ghi bằng chữ Việt , mặt bia phía trước ghi tên, ngày, tháng, năm, mất của ông Tổ tộc Lê- Cẩm Thanh là Lê Duy Trì. Mặt bia phía sau ghi truyền thống lịch sử của gia tộc. Cách nhà bia phía trước khoảng 5m theo trục dọc là một nhà bia xây theo dạng tay ngai, trong có 3 bia đá khắc chữ Hán ghi về lịch sử của Tổ tộc Lê. Nằm phía sau nhà bia thứ hai là nấm mộ đất tròn, khu mộ không có trụ biểu.
Mặc dù có kiến trúc, kết cấu đơn giản nhưng di tích có giá trị lịch sử cao. Vì di tích là nơi yên nghỉ của ông Lê Duy Trì - một trong số những vị tiền hiền khai khẩn xứ đất Thanh Châu xưa nay là xã Cẩm Thanh. Đặc biệt về thân thế của ông Lê Duy Trì gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc trưng của thời hậu Lê. Bởi ông là con trưởng của Thế Tông Hoàng đế Lê Duy Đàm, làm vua từ năm 1573 đến năm 1577 và là anh của Hoàng đế Lê Kính Tông - Lê Duy Tân làm vua năm 1600. Về bản thân của ông Lê Duy Trì do bị Trịnh Tùng truy bức, ông phải chạy vào Nam năm 1623, đến trú tại đất Thanh Châu, sinh cơ lập nghiệp, lập nên tộc Lê ở làng Thanh Châu và tham gia lập ấp, khẩn thổ trưng điền, mở rộng canh tác, việc làm của ông Lê Duy Trì được người dân Thanh Châu và con cháu trong gia tộc lưu truyền trong sử liệu cho đến ngày nay.
Đây là công trình kiến trúc mộ táng, tuy kết cấu kiến trúc không quy mô nhưng với những tư liệu hiện còn trong di tích, thông qua các tấm bia đá đã nói lên giá trị về mặt lịch sử, là cơ sở để tìm hiểu về vấn đề di dân lập làng của cư dân Đại Việt trên đất Hội An nói chung, đất Cẩm Thanh nói riêng, có liên quan chặt chẽ đến triều hậu Lê, đặc biệt ông Thuỷ tổ Lê Duy Trì trong gia phả còn gọi là Đại Lang, thuộc dòng hoàng tộc đời thứ 5.
Mộ tổ tộc Lê là nguồn tư liệu quý để các nhà khoa học nghiên cứu trên lĩnh vực dân tộc học, văn hoá học... và để góp phần giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương. Do di tích nằm ở giữa đồng trống, xung quanh bao bọc bởi cánh đồng lúa nên di tích chưa được nhiều người biết đến. Trong thời gian tới, di tích sẽ được tu bổ, tôn tạo cảnh quan nhằm đưa vào tuyến tham quan du lịch Làng quê sinh thái đặc thù của Cẩm Thanh cùng với cụm di tích mộ Thứ Phi vua Quang Trung và các Tướng Tây Sơn, lăng Trà Quân, miếu Ông Tiến.
Lệ Xuân