Cuối thế kỷ XVIII, nhà sử học Lê Quý Đôn đến Đàng Trong và đã có ghi chép khá thú vị về nghề khai thác yến sào của cư dân làng Thanh Châu trong tác phẩm Phủ biên tạp lục được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1997 như sau:
“Phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông, xã Thanh Châu có nghề lấy yến sào, dân xã ấy tản cư các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Gia Định hằng năm cứ đến tháng 2 phải nộp tổ non mới 120 tổ, ngưới áp thu lĩnh tờ thị, sửa san thuyền đến các phủ để thu thuế, tháng 7 mang về trình nộp sổ tiêu sai, thực nộp là bao nhiêu người tùy hạng mà tính thu, hạng tráng mỗi người nộp hai cân yến, nếu không có thì nộp thay bằng tiền 2 quan, hạng dân mỗi người nộp 1 cân 8 lạng, hạng lão và đinh mỗi người nộp 1 cân, còn cả xã lại nộp lễ thường tân, chính đán 1.500 tổ. Năm Mậu Tý thuế yến sào nộp thay bằng tiền là 773 quan 1tiền 30 đồng”.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nhiều hang đá ở Cù Lao Chàm trở thành môi trường lý tưởng để chim yến sinh trưởng và làm tổ. Chính nơi đây là một trong những địa điểm khai thác tổ yến quan trọng của cư dân làng Thanh Châu. Theo sách Đại Nam Nhất thống chí tập 2 do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ở phần tỉnh Quảng Nam, trong mục núi sông chép: “Đảo Đại Chiêm: ở cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía đông, ngất ngưỡng giữa biển, gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm,… ; phía nam hòn Tai có hang đá, chim yến tụ tập, tục gọi là hòn Yến; chim yến thường ở hai bên động nhả nước dãi để làm tổ, yến hộ lấy nộp.”. Trong mục thổ có ghi: “Yến sào: sản ở đảo Đại Chiêm (Cù Lao Chàm), có yến hộ để đi lấy, đồng niên phải nộp 80 lạng”.
Hiện nay có nhiều câu chuyện khác nhau về việc phát hiện, khai thác tổ chim yến tại Cù Lao Chàm nói riêng, tỉnh Quảng Nam đến Khánh Hòa nói chung của cư dân làng Thanh Châu liên quan đến hai tộc Trần, Hồ ở làng Thanh Châu. Trong lịch sử, hai tộc này giữ vai trò chủ yếu trong nghề khai thác tổ chim yến. Các tư liệu lịch sử cho biết, nhiều người trong tộc Hồ được triều Nguyễn giao giữ chức vụ quan trọng trong việc tổ chức và khai thác yến sào ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Trong số đó, trước hết phải kể đến ông Hồ Văn Hòa.
Vào năm Gia Long thứ 3 (1804), theo đơn xin của ông Hồ Văn Hòa, triều đình đã cho phép ông quy tập dân và thành lập lại Thanh Châu yến sào đội, được triều đình chuẩn y, giao cho ông Hồ Văn Hòa giữ chức đội trưởng, tước Hòa Đức Bá, có nhiệm vụ canh giữ và khai thác tổ yến ở Cù Lao Chàm. Năm Gia Long thứ 17 (1818), ông Hồ Văn Hòa được triều đình chuẩn làm Yến sào nhị đội đội trưởng. Đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820), triều đình cho đổi Thanh Châu yến sào đội thành Thanh Châu yến hộ và chuẩn cho ông Hồ Văn Hòa được làm hộ trưởng yến hộ, tước Hòa Thuận Tử, trật tòng cửu phẩm. Năm Minh Mạng 15 (1834), ông Hồ Văn Hòa được thăng thọ Cai đội, trật tòng ngũ phẩm. Năm Thiệu Trị 3 (1843), ông Hồ Văn Hòa được thăng thọ Phó quản cơ nhưng lãnh yến hộ. Năm Tự Đức 7 (1854), con của ông Hồ Văn Hòa là Hồ Văn Học được bổ làm hộ trưởng yến hộ thay cho ông Hồ Văn Hòa vì đã già yếu.
Theo văn bia tại di tích, ông Hồ Văn Hòa cùng với các yến hộ, dịch mục làng Thanh Châu tu bổ ngôi miếu nghề yến ở Thanh Đông - Cẩm Thanh và tại Bãi Hương - Tân Hiệp.
Hiện nay, khu mộ vợ chồng ông Hồ Văn Hòa tọa lạc tại thôn Võng Nhi - xã Cẩm Thanh, cách di tích cấp tỉnh mộ tổ tộc Trần, khu di tích lăng Bà và móng kiến trúc Chăm khoảng 100m về hướng Đông. Khu mộ này được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phối hợp với gia tộc Hồ tiến hành tu bổ vào năm 2004.
Tác giả bài viết: Hồng Việt
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An