Người giữ hồn phố Hội

Thứ sáu - 06/07/2012 09:26

Những người con phố Hội bình dị với cuộc mưu sinh hằng ngày bên gánh xí mà hay nia tò he đã góp phần nuôi sống và lưu giữ hồn xưa phố cũ…

Ông già xí mà
Bên góc đường Nguyễn Trường Tộ, hình ảnh nhiều người vây quanh gánh xí mà, đợi được thưởng thức hương vị ẩm thực đặc trưng luôn khiến du khách tò mò. Không phải nhà hàng sang trọng, cũng chẳng có không gian tươm tất ít nhất với bàn ghế nhưng mọi người vẫn tìm đến “ông già xí mà”. Bởi đó là thương hiệu giữa đời thường, được xây dựng từ nghề mưu sinh bao đời của ông Ngô Thiểu. Sinh năm 1915, tuổi thơ ông là chuỗi ngày cơ cực khi phải đi ở cho các gia đình người Hoa khá giả ở phố Hội. Cũng từ công việc kiếm cơm ấy, ông đã mày mò học cách nấu món “xí mà phủ” (hay còn gọi là chè mè đen) và gắn bó đến tận bây giờ.
http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t6/5/gui-hon-ph.jpg

Ngô Thị và chồng “tiếp nối” nghề của cha.

Ngược dòng ký ức của mấy mươi năm về trước, dường như chỉ có những con đường nơi phổ cổ là “nhân chứng” duy nhất kể lại câu chuyện về cuộc đời “ông già xí mà”. Từ chuỗi ngày ông còn mạnh khỏe, từng nhịp gõ của guốc mộc hằn in đôi quang gánh đã trở thành một thứ tiếng rất đỗi quen thuộc với các ngõ ngách phố Hội. Đến lúc chân yếu tay run, ông đặt gánh xí mà nơi góc đường lặng lẽ để sống trọn với nghề. Ông bảo, để có được món xí mà đúng điệu thì không chỉ có mè đen mà còn các loại rau và 2 vị thuốc bắc. Thường thì ông thức dậy lúc 3 giờ sáng để nấu xí mà, gánh hàng đi lúc trời tờ mờ sáng đến một góc nào đó vắng người mới “bí mật” cho hương vị đặc biệt vào thùng rồi khuấy đều lên. Cả vợ và các con, không ai biết thứ ông cho vào thùng là gì, trở thành “bí quyết” nghề của ông Thiểu.
http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t6/5/gui-hon-pho.jpg

Hình ảnh cụ Thiểu ngày còn mạnh khỏe.
 
 

Nhẩm tính, ông Thiểu bảo đã gắn với món xí mà được 76 năm, nuôi 3 người con ăn học đến nơi đến chốn và đều đang làm giáo viên. Bây giờ sức tàn lực kiệt, ông bảo người con gái út là Ngô Thị nối nghiệp. Sau một thời gian “chạy sô” từ nhà đến trường giảng dạy rồi từ trường đến chỗ ông Thiểu phụ bán xí mà, cuối cùng chị đã nghỉ việc để tiếp nối nghiệp cha.

Trên tuyến đường Nguyễn Trường Tộ bây giờ đã không còn hình bóng một cụ già râu tóc bạc phơ, mang bộ đồ Tàu, cẩn thận múc xí mà cho vào bao rồi dùng dây buộc chặt. Không còn giọng nói đặc sệt phương ngữ Quảng Nam mỗi khi khách hỏi thăm về cái món “đặc biệt”, rằng: “Muốn biết nguồn gốc cái món xí mà này thì chạy ra hỏi sông Hoài nó có từ hồi mô?”. Không còn tiếng cười giòn sảng khoái khi một đám con nít đến mua thức quà quen thuộc của người bán… Nhưng đâu đó vẫn mãi vang vọng cái phần hồn phát ra từ đôi quang gánh xí mà phủ đang lắng mình nơi phố Hội.

Bà lão tò he

Vào bên trong phố, bước ngang Chùa Cầu nối liền con đường Trần Phú sẽ bắt gặp “bà lão tò he” hay ngồi ven dãy đường Nguyễn Thị Minh Khai. Bà là Phạm Thị May (80 tuổi), hành nghề này đã hơn 10 năm, vóc người nhỏ nhắn, mặc bộ đồ bà ba, đầu đội chiếc nón, tay hay cầm một con vật và cho vào miệng thổi tò te. Khách du lịch trong hay ngoài nước, ai cũng bị thu hút bởi tiếng thổi “mời mua hàng” của bà.
http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t6/5/gui-hon-pho-co-3.jpg

Cụ May bên gánh hàng tò he.

 

Khách hỏi về nguồn gốc của “tò he” và món nghề này, bà nói: “Tò he được làm ở làng gốm Thanh Hà (Hội An), ngó đơn giản vậy nhưng rất công phu”. Nguyên liệu chính là đất sét để nhào nặn ra hình các con vật: gà, chó, khỉ, mèo, ngựa, dê… Nặn xong, dùng que nhọn khoét ít nhất 2 lỗ nhỏ phía dưới và bên mình con vật. Làm sao cho lỗ cho tiếng kêu phát ra càng to và thanh. Sau khi hoàn tất khâu nhào nặn thì mang ra ngoài phơi khô nhưng phải có nắng thật giòn thì các con vật mới cứng đều được. Phơi xong người ta cho vào lò lửa, nung gần 20 tiếng đồng hồ mới mang ra để nguội, rồi đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Có thể để nguyên vẻ thô sơ, mộc mạc của tò he hoặc quét một lớp sơn bóng màu đỏ lên để khách hàng lựa chọn.

Hàng của bà May chỉ vỏn vẹn hai nia tre nhỏ, một nia đựng tò he mộc, nia còn lại đựng tò he đỏ… với đủ hình thù 12 con giáp. Khách trong nước hay nước ngoài cũng thường ghé hàng bà vì cách thổi tò he “đặc biệt”. Cứ như một thói quen thường nhật, mỗi sáng bà lại gói ghém hàng mang ra góc phố ngồi đến chạng vạng thì mang về. Nhẩm tính 10 năm trôi qua, trên đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai ấy luôn phát ra thanh âm trong trẻo bởi tiếng tò he mộc mạc mà níu giữ lòng người.

Võ Thị Như Trang


 

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VIDEO HỘI AN
  • Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh Hội An
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần II
  • Đất và người Cẩm Thanh
  • Tham quan sông nước Cẩm Thanh
  • Dân ca Bài chòi ở Hội An
  • Nghệ thuật xếp lá dừa
  • Ẩm thực chợ phiên Hội An thế kỷ XIX
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần I
  • Cuộc sống quê xưa
  • Cẩm Thanh - mảnh đất anh hùng
Thăm dò ý kiến

Chất lượng dịch vụ phụ vụ quý khách

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay4,094
  • Tháng hiện tại168,757
  • Tổng lượt truy cập14,654,762
Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây