Đi trên con đường nhỏ giữa hai cánh đồng, những người khách phương xa thật sự bất ngờ với phiên chợ quê bỗng xuất hiện giữa một không gian bốn bề lúa đang trổ đòng xanh. Con đường vào chợ qua cây cầu tre gập ghềnh, với sợi rơm quẩn chân người. Không gian thơm ngát khói rơm rạ gợi nhớ mùa đốt đồng của nhà nông, lẫn với mùi lúa non tạo nên vị lãng mạn đồng quê Hội An khác lạ. Phong cảnh bao la thôn dã bao bọc lấy du khách. Nắng chưa tắt, nông dân còn làm cỏ lúa dưới ruộng, và tiếng hát hò khoan, tiếng sáo của mục đồng bay lên hòa với sự náo nhiệt của phiên chợ làng đã bắt đầu. Bên sông, rộn ràng cảnh trên bến dưới thuyền với cầu khỉ lắc lư, thuyền chở hàng qua lại , vạn chài đang quăng lưới đánh cá.
Giống tục lệ xưa, chợ phiên mùa xuân chào đón khách vào không gian lễ hội với ấm áp mùi hương trầm và có lễ cầu an với những lời cầu phúc dành cho khách gần xa. Trong ánh sáng đuốc và đèn măng xông tạo nên một khung gian ẩn khúc của đất trời xa xưa. Âm thanh lễ hội làng quê nhẹ nhàng, tiếng đàn sáo vang lừng mang đến đến sự yên bình thanh thảng trong lòng du khách. Khách thong thả ngắm chợ với lều tranh, chõng tre là nơi bán hàng của các bà các chị. cảnh mua bán các sản vật nhà nông như trầu cau, rượu, các loại bánh mứt , hàng nông sản như bắp nấu, bánh tráng nướng, chuối, rau lang, rau muống, ngũ cốc, hàng thủ công đan lát như quạt mo, đồ gốm , chiếu cói, nón lá, hàng mã hương đèn… Họ dừng lại ngắm chiếc xe bán nước dừa, nước mía lạ mắt, cảnh chưng cất món rượu từ lúa nếp và nếm thử hương vị say nồng. Ở đây điều gì cũng làm khách tò mò, từ các trò chơi đầu xuân bầu cua tôm cá, xổ xăm hường của người thôn quê đến vẻ bí hiểm “tường tận tương lai” của cụ thầy bói ngồi ở góc chợ đang đắt khách muốn biết vận hội đầu năm.
Chợ phiên cuối thế kỷ 19 được phục dựng bằng chất liệu giản dị chân chất của người nông thôn Hội An thế kỷ 19, chắt lọc với nhà tre lợp lá cây dừa nước bản địa, đồ nông cụ còn nguyên vẹn với giỏ, nơm, tay lưới, nồi niêu nấu bếp, cất rượu đều bằng đất sét truyền thống. Trong ánh sáng thắp từ nhiên liệu thiên nhiên, khách lạ lùng ngắm nghía áo tơi làm đồng của nông dân xứ Quảng, áo bà ba đen đi với guốc mộc của người bán hàng. Ai cũng sà vào hàng trầu cau, bánh tráng nướng để biết thêm tập quán đặc biệt của người Việt. Từ những quán hàng tranh tre trong chợ, bữa ăn từ sản vật của người Hội An đậm chất hương đồng gió nội, hương vị bay lên quyến rũ . Đôi lúc đồng quê có những khoảng lặng và khách như thấy lòng mình yên bình với bản giao hưởng côn trùng du dương huyền ảo,rả rích. Đôi lúc khách nghiêng tai lắng nghe tiếng rao đêm văng vẳng, đâu đó mái chèo rẽ nước, tiếng cá nhảy lách tách trong mẻ lưới đầy của vạn chài. Lan trong gió, tiếng đàn sáo, đàn nhị phảng phất không gian lễ hội của làng từ xa vọng lại.
Một du khách người Mỹ ngồi chiêm nghiệm cảnh đẹp của rừng dừa nước và cảnh đánh cá trên sông, nếm thử những món ăn hải sản, ông nhận xét: “Ý tưởng về sản phẩm văn hóa rất hay, lại được một ê kíp rất chuyên nghiệp thực hiện, bởi không gian văn hóa lễ hội làng là tổng hợp của quá trình thiết kế không gian kiến trúc làng, phong tục tập quán nghìn đời, phối hợp tốt âm nhạc và nghệ thuật ánh sáng. Tôi đánh giá cao sự tỉ mỉ về chi tiết và phối hợp ăn ý của đội ngũ thực hiện để tạo ra sự hưng phấn, thúc đẩy chúng tôi tận hưởng và khám phá văn hóa ” . Một khách nữ người Pháp cho biết: “Tôi thật bất ngờ vì một bữa tiệc gặp mặt được biến thành lễ hội đồng quê đặc biệt. Chúng tôi xúc động vì sự chăm sóc của các bạn, từ lễ cầu phúc, cầu điều tốt đẹp cho chúng tôi. Không gian sống của người nông dân ở đây giản dị và hấp dẫn. Thật khó quên mái nhà lợp lá giản dị, người phụ nữ xay bột làm bánh, cụ bà ngồi bán trầu cau ở chợ. Các bạn giữ được truyền thống là điều tuyệt vời nhất”. Anh Phan Xuân Thanh, Giám đốc Viet Café Management & Investment thực hiện dự án nói rõ thêm: “Du khách có xu hướng tìm kiếm phiên bản gốc văn hóa bản địa, và chúng tôi đã nghiên cứu để khách du lịch thưởng thức một “gala-diner” trong không gian văn hóa lễ hội làng quê Việt thật đặc biệt. Chúng tôi đã có một đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp cao, lại nhận được sự tham gia của nhiều nông dân đang sống nơi đây nên tạo ra được “phiên bản” sống động về không gian văn hóa làng-chợ Hội An thế kỷ 19. ”
Chợ phiên Hội An thế kỷ 19 rất đáng để khách gần xa thưởng thức một không gian sống với những phong tục cổ truyền đã mai một.
Tác giả bài viết: Bích Hồng
Nguồn tin: Doanh nhân Sài Gòn