Tiếp cận và bảo tồn di sản bài chòi (bài 2)

Thứ sáu - 06/07/2012 08:25

BÀI 2: NGUY CƠ MẤT BẢN SẮC Được “nâng cấp” thành ca kịch với nhiều vở diễn, nhưng bài chòi đang trở nên lạ lẫm đối với không ít người. Phải chăng, mai một bản sắc đang có những dấu hiệu rõ nét dần đối với loại hình nghệ thuật đặc sắc này?

http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t7/4/trang4a-5.jpg
Một cảnh trong vở diễn của Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam.Ảnh: QUANG VIỆT

Chất hiện đại lấn át

Chuẩn bị kỹ càng từ trang phục, đạo cụ, sân khấu cho đến lời thoại, kịch bản là điều rất đáng ghi nhận trong những lần tổ chức biểu diễn gần đây của Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam. Tuy nhiên, có lẽ vẻ chỉn chu khi dàn dựng đã không bù đắp được thiếu sót trong biểu đạt thần thái bài chòi. Do đặc trưng của loại hình nghệ thuật hát bài chòi có xuất phát điểm từ dân gian nên trong cảm nhận của nhiều người, các vở diễn như một sự gắn kết, chắp nối đầy kỹ thuật.

Nhiều khán giả đã tỏ ra lo lắng về chiều sâu của các vở diễn “Nhà có ba chị em” hay “Trái tim trong trắng”. “Tôi không chắc các nghệ sĩ có quá đặt nặng việc “ứng tiếp” từ âm nhạc hiện đại hay không, nhưng tôi hình dung các vở diễn của đoàn ca kịch đã phần nào làm nhòa đi bản sắc của bài chòi. Giá mà các diễn viên đều hát các làn điệu dân ca Liên khu 5 rõ nét hơn thì chất bài chòi sẽ toát lên rõ ràng, đầy đặn hơn” - ông Lê Văn Tiến (Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, khán giả thường xuyên của Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam) chia sẻ. Một số khán giả khác cũng có cùng nhận xét: “Mặc dù các vở diễn gần đây phản ánh được hiện thực cuộc sống mới một cách trôi chảy, suôn sẻ nhưng hình như các vở diễn đó vẫn chưa thật sâu lắng. Trong ký ức của mình, tôi thấy ngày trước các vở diễn… đời hơn, thật hơn. Tính triết lý, đạo đức cũng được toát lên mềm mại và tự nhiên như chính cuộc sống”.

Từ các vở diễn của Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam trong thời gian qua, nhiều đánh giá cho thấy, tập thể nghệ sĩ của đoàn, nhất là các diễn viên trẻ đã chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp thông qua hàng loạt nhân vật tốt, xấu, thật, giả... Các diễn viên đều hát bài chòi khá hay, chỉ tiếc là họ chưa đủ đất để dụng võ và chưa thật chín muồi để làm mới các vở cũ; việc vận dụng bài bản, hô, hát cũng chưa thật… bài chòi lắm. Đặc biệt, do sử dụng âm nhạc quá hiện đại đã làm lu mờ bản sắc bài chòi vốn đầy chất dân gian và trữ tình sâu lắng. Nhiều người cũng cho rằng, để nghệ thuật bài chòi phát triển, Quảng Nam cần giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, tập trung đào tạo đội ngũ kế thừa, kể cả diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ và những người làm công tác nghiên cứu chuyên sâu về bài chòi. Có như vậy bài chòi xứ Quảng mới tránh được nguy cơ mai một, mất bản sắc trong tương lai gần.

Để tôn vinh di sản

Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vừa yêu cầu 8 tỉnh, thành Nam Trung Bộ nhanh chóng lập hồ sơ văn hóa phi vật thể đối với nghệ thuật bài chòi để trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đề nghị tôn vinh di sản này. Các phân tích cho thấy, hoàn thiện hồ sơ phải đáp ứng được nhiều tiêu chí. Thứ nhất là bộ môn nghệ thuật được đề cử phải có bề dày lịch sử được giới thiệu bằng văn bản, căn cứ trên những bằng chứng, văn kiện sử liệu hay hiện vật. Thứ hai là bề sâu nghệ thuật của bộ môn, nét độc đáo so với các loại hình nghệ thuật trên thế giới. Thứ ba là tuy bộ môn nghệ thuật đó hay nhưng có nguy cơ tàn lụi, bị bỏ quên do kinh tế, thị hiếu, sinh hoạt thay đổi. Thứ tư là cần có sự quan tâm đồng bộ từ chính quyền đến nghệ nhân và quần chúng, khi bảo tồn loại hình nghệ thuật này. 

Nghệ thuật bài chòi định hình trên dải đất miền Trung từ rất lâu lại có lịch sử thăng trầm qua nhiều giai đoạn khác nhau, thiết tưởng việc lập hồ sơ tại mỗi địa phương đều có những yêu cầu, khó khăn riêng, tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở VH- TT& DL vẫn chưa có động tĩnh gì.

Thời gian qua, câu chuyện bảo tồn văn hóa phi vật thể nói chung, bài chòi nói riêng cứ lặp đi lặp lại như một vấn đề thời sự. Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam cũng đã được quan tâm trong các chuyến lưu diễn trên địa bàn tỉnh cũng như Liên hoan Sân khấu dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc. Tuy nhiên, thiếu kịch bản, thiếu nguồn nhân lực, nhất là diễn viên trẻ, thiếu những vở diễn hay là những khoảng trống lâu nay chưa thể lấp. “Hiện tại, hoạt động bài chòi tại các tỉnh, thành miền Trung đều gặp khó. Trong khả năng của mình, Sở VH-TT&DL đã quan tâm nhiều đến việc nuôi dưỡng niềm đam mê bài chòi trong thế hệ trẻ bằng các hoạt động đào tạo trong nhà trường. Đội ngũ diễn viên bài chòi đã được quan tâm nhiều hơn về vật chất; các cuộc thi sáng tác kịch bản bài chòi cũng đã diễn ra. Với những gì đã, đang và sẽ làm, chúng ta có thể hy vọng về những bước tiến của bài chòi trong thời gian đến” - ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL nói.

Đầu tư và kỳ vọng là cả câu chuyện dài, nếu chúng ta không nuôi dưỡng, đào tạo được những thế hệ diễn viên tài năng có thể chuyển tải nhiều cung bậc cảm xúc đến người nghe thì số khán giả lưu tâm đến bài chòi sẽ ngày một ít đi. Có ý kiến rằng, đến một lúc nào đó, bài chòi sẽ chỉ còn là nỗi hoài niệm.

NGUYỄN QUANG VIỆT
 

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VIDEO HỘI AN
  • Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh Hội An
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần II
  • Đất và người Cẩm Thanh
  • Tham quan sông nước Cẩm Thanh
  • Dân ca Bài chòi ở Hội An
  • Nghệ thuật xếp lá dừa
  • Ẩm thực chợ phiên Hội An thế kỷ XIX
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần I
  • Cuộc sống quê xưa
  • Cẩm Thanh - mảnh đất anh hùng
Thăm dò ý kiến

Chất lượng dịch vụ phụ vụ quý khách

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay8,161
  • Tháng hiện tại265,797
  • Tổng lượt truy cập14,751,802
Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây