Dùng nhạc không lời để trò chuyện, nghệ sĩ Thục Anh sẽ mượn chút tự sự của Haydn - những nét nhạc nghịch ngợm thơ trẻ - một thế giới mà trí tưởng tượng không có điểm dừng, xen lẫn với những nghịch đùa hài hước. Rồi dừng lại. Giữa trời đất quạnh hiu. Lắng nghe Tiếng chim hót của Balakirev - tiếng chim nào trên cánh đồng đang hót, tội nghiệp bên xác bạn đời.
Phần độc tấu của Thục Anh còn có tác phẩm đầu tay cho những âm hưởng Đông Nam Á của Debussy - Chùa Nhật. Trong sự tĩnh lặng của nhà Phật là âm sắc tiếng chuông đồng, cồng chiêng cũng như những nốt nhạc ngũ cung thường nghe trong những câu ca dao Việt Nam.
Cùng “chuyện trò” với Thục Anh, nghệ sĩ khách mời Igor Chystokletov sẽ song tấu piano Tổ khúc những điệu nhảy valse vui tươi hiếm hoi của Brahms cùng Điệu chèo thuyền của Rachmaninov - nhạc sĩ người Nga, nổi tiếng với những giai điệu lãng mạn bất hủ. Và cuối cùng là “Những bức tranh của họa sĩ Viktor Hartmann” được dựng lại bằng âm nhạc của Mussorgsky - nhạc sĩ của trường phái nhạc dân tộc Nga.
Còn gì để nói trước “đêm chuyện trò” với nhạc không lời? Mỗi lần chơi nhạc một khác. Lần này diễn ở quê nhà, nghệ sĩ Thục Anh hi vọng: “Đêm chuyện trò sẽ đem đến cho khán giả cái nhìn mới mẻ và gần gũi hơn với nhạc hàn lâm: là dòng nhạc của cảm xúc, của trí tưởng tượng, của tư duy, của sáng tạo”.
Tác giả bài viết: Thế Cường
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc