Sông Thu Bồn là sông lớn của khu vực Trung và Nam Trung Bộ, với hệ thống các nhánh sông nhỏ chằng chịt ở hạ lưu và chảy ra biển ở Cửa Đại (Hội An). Sông có độ dốc lớn, hàng năm thường xuyên có lũ xuất hiện, gây ngập lụt và xói lỡ ở nhiều nơi. Lưu lượng khá lớn, lưu lượng dòng chảy trung bình vào mùa mưa có thể đến 850 m3/giây . Do vậy phần hạ lưu của sông đã tạo nên khu vực đất ngập nước rộng lớn, quan trọng và đáng chú ý nhất là khu vực xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim và vùng lân cận với hơn 500 hecta diện tích mặt nước. Các nhánh sông Ba Chươm, sông Cổ Cò, sông Đình, sông Đò nối với sông Thu Bồn đã tạo ra đa dạng các cồn gò như Thuận Tình, cồn Tiến, cồn 3 xã, gò Hí, gò Già…,với các hệ sinh thái (HST) điển hình vùng nhiệt đới như rừng ngập mặn và cỏ biển. Quan trọng nhất là các dãy cây dừa nước (DN), dọc bờ các kênh rạch, quanh năm xanh tốt tạo cho khu vực đất ngập nước (ĐNN) hạ lưu sông Thu Bồn một sinh cảnh rất đặc biệt cho miền Trung - Hội An mà ở Việt Nam, chúng ta chỉ có thể tìm gặp sinh cảnh này ở miền Tây Nam bộ. Trên các cồn gò và các vực nước chung quanh các dãy DN từ vùng triều thấp trở xuống còn có hệ sinh thái cỏ biển (seagrass ecosystem) một hệ sinh thái đặc thù trong vùng ĐNN, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Chúng là những loài thực vật bậc cao, sống chìm trong môi trường nước, tồn tại và phát triển quanh năm, thích nghi sống trong môi trường luôn có dòng chảy, sóng gió nhờ hệ thống thân ngầm vùi sâu trong trầm tích.
Đa dạng các hệ sinh thái rừng ngập mặn và cỏ biển
Tài liệu lịch sử về rừng dừa nước ở Hội An rất hiếm hoi. Theo nhiều người dân địa phương, DN tự nhiên trước đây không nhiều mà phần lớn do người dân trồng. Thời kỳ hưng thịnh nhất của thảm dừa nầy (khoảng trước thập niên 1980), diện tích phân bố hàng trăm hecta. Đặc biệt Rừng dừa Bảy Mẫu trải rộng trên địa bàn các thôn 1,2,3 và 8 của xã Cẩm Thanh mà lịch sử tồn tại và phát triển của chúng luôn gắn liền với các chứng tích oai hùng của Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Thanh. Sau thập niên 80, do việc phát triển mạnh của nuôi trồng thủy sản, làm muối và các hoạt động kinh tế xã hội, diện tích phân bố bị thu hẹp dần. Diện tích hiện nay còn gần 70 hecta (nếu tính luôn huyện Duy Xuyên). Hiện nay do việc phát triển du lịch, nhu cầu sử dụng sản phẩm bẹ, lá dừa để làm nhà tăng cao, nhiều người dân bắt đầu chăm sóc hoặc trồng thêm dừa quanh nhà nên diện tích này đang gia tăng. Thống kê từ các số liệu cung cấp bởi hàng chục hộ gia đình đang kinh doanh sản phẩm bẹ và lá dừa nước để làm nhà đã cho thấy có thể tính toán giá trị này trong khoảng từ 100 triệu đến hơn 200 triệu đồng cho việc khai thác 1 hecta/dừa nước/năm (chưa tính công thu hoạch lá và xử lý, sơ chế). Giá trị này khá cao.
Ngoài DN, Phòng kinh tế Hội An cũng đã di trồng cây Đước (Rhizophora apiculata) về trồng ở khu vực Thuận Tình và triền sông thôn 2 từ năm 2000 (2,5 hecta). Cho đến nay diện tích cây Đước còn lại chừng vài ngàn m2 đang phát triển tốt. Điều lý thú là chúng tôi đã phát hiện cây Vẹt dù (Bruguiera gymnorhiza), một loài cây ngập mặn có tán lá rất đẹp cũng đã được di trồng và mọc rải rác ở xã Cẩm Thanh. Chúng rất thích nghi trên trầm tích cát với tầng bùn mỏng. Điều này chứng minh rằng vùng ĐNN của Cẩm Thanh hoàn toàn có thể di trồng các loài cây ngập mặn khác, tạo ra sự đa dạng rất cần thiết cho khu vực bảo tồn.
Dọc triền sông phía ngoài dừa nước, trên các cồn gò ở gần khu vực Cửa Đại, chúng ta còn gặp HST cỏ biển với sự ưu thế tuyệt đối của loài cỏ Lươn Zostera japonica có lá khá dài (đến 40-50 cm), diện tích phân bố trên 30 hecta, bao phủ gần hết các vùng triều thấp ven triền sông của xã Cẩm Thanh, làm thành tấm thảm màu xanh khi triều xuống. Một lòai cỏ Xoan khác là Halophila beccarii làm thành các thảm mịn ven bờ và phát triển lên đến vùng nước lợ dọc các kênh rạch. Ở vài nơi hai HST này đan xen vào nhau rất lý thú như ở thôn 2 Cẩm Thanh.
Vai trò của vùng đất ngập nước đối với tài nguyên môi trường, nguồn lợi sinh vật và du lịch sinh thái của Thị xã Hội An
Các HST nhiệt đới điển hình này đã được chứng minh là quan trọng đối với môi trường trong vai trò điều hoà khí hậu, chống xói lỡ, gia tăng trầm tích, kết chặt trầm tích và hoạt động như một máy lọc sinh học, nâng cao chất lượng môi trường và duy trì cân bằng sinh thái. Đó là chưa kể lá và mùn bã hữu cơ do chúng tạo ra là nguồn thức ăn không thể thiếu cho các loài hải sản. Về phương diện sinh vật, các hệ sinh thái này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển có giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Hàng ngày hàng trăm người, dùng đủ mọi phương tiện đánh bắt bắt hải sản trong các HST này. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi, ẩn nấp của ấu thể nhiều loài hải sản. Vào mùa vụ đẻ của các loài cá kinh tế như cá Mú, cá Dìa (trước và sau tết Âm lịch), người dân tập trung dùng lưới cào, nhủi nguồn giống cá này trong các thảm cỏ biển. Nguồn giống này rất phong phú và đã cung cấp cho các địa phương khác. Chính các hoạt động này đã làm cho các thảm cỏ đang bị suy giảm.
Đứng trước xu thế phát triển đô thị đang gia tăng mạnh mẽ như hiện nay ở Hội An, việc hoạch định một sách lược lâu dài để phục hồi, bảo vệ các hệ sinh thái này là cấp thiết. Kênh rạch và các dãy DN xanh đã tạo ra một phần vẽ quyến rũ của Hội An đối với du khách.
Nhận biết sự cấp thiết này, báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hội An lần thứ 15 đã xác định các khu vực nông thôn của Hội An gồm các xã Cẩm Thanh và Cẩm Kim “cần sớm xây dựng đề án bảo tồn một khu làng quê đặc trưng ở Cẩm Thanh gắn liền với khu bảo tồn sinh thái vùng ngập mặn cửa sông Thu Bồn …”. Thực hiện các định hướng chỉ đạo trên, UBND Thị xã đã xây dựng và trình kỳ họp lần thứ 8 HĐND khoá 9, đề án “Một số giải pháp chủ yếu xây dựng xã Cẩm Thanh-làng quê sinh thái đặc thù từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo”
Giải pháp cụ thể
Khu vực đất ngập nước đề nghị bảo tồn thuộc xã Cẩm Thanh gồm khoảng 300 hecta trong đó khoảng 1/3 là đất và 2/3 là vùng ngập triều thuộc các thôn 1,2, 3, 8. Vùng đất ngập triều có độ sâu cho đến khoảng 1m khi triều thấp. Đây là vùng phân bố quan trọng của rừng ngập mặn và cỏ biển của hạ lưu sông Thu Bồn. Hiện nay diện tích phân bố của 2 HST này khoảng 80 hecta. Giải pháp cụ thể cho việc bảo vệ, phục hồi vùng đất ngập nước trên cơ sở quản lý cộng đồng và vì lợi ích công đồng. Người dân có nhiệm vụ bảo vệ phục hồi nhưng cũng được quyền hưởng lợi từ việc quản lý các HST này
* Về rừng ngập mặn: DN sẽ được ươm trồng ven các triền sông đã được quy hoạch và giao cụ thể cho từng hộ gia đình. Họ có nhiệm vụ trồng, bảo vệ và được quyền khai thác sản phẩm lá dừa và bẹ cũng như các nguồn lợi hải sản trong HST. Ngoài cây dừa nước, nên di trồng và phát triển đa dạng các loài cây ngập mặn khác mà theo kết quả khảo sát hoàn toàn có khả năng trồng được như Vẹt dù (Bruguiera gymnorhiza), Đước (Rhizophora spp), Mắm (Avicenia spp)… Khi đó các thảm rừng này sẽ có sinh cảnh phong phú hơn. Đồng thời, việc triển khai Đề án xây dựng làng quê du lịch sinh thái đặc thù kết hợp chặt chẽ với công tác bảo tồn các hệ sinh thái ngập mặn ở khu vực sẽ là cơ hội cho từng hộ gia đình cải thiện sinh kế, trong đó việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng sẽ là hướng đi bền vững.
* Về cỏ biển: hiện nay đang bị suy giảm nhiều và đang tiếp tục suy giảm do các hình thức khai thác hải sản không hợp lý. Cần có các lớp tập huấn, tuyên truyền rộng rãi cho cộng đồng hiểu rõ về vai trò và tầm quan trọng của các thảm cỏ này, đồng thời phải có các biện pháp hiệu lực để ngăn cấm các hình thức đánh bắt có tính hủy diệt như cào, xiết điện, đào bắt các loài động vật trong thảm cỏ. Cũng cần có kế hoạch phục hồi lại các thảm cỏ đã mất, và từng bước cũng sẽ có kế hoạch quản lý cộng đồng các vùng cỏ biển là nơi ươm nuôi sinh vật quan trọng, những mô hình quản lý cộng đồng trong khai thác, nuôi trồng thủy sản sẽ được thiết lập. Việc ngăn cấm các hình thức đánh bắt này cũng sẽ góp phần bảo vệ nguồn giống, duy trì nguồn lợi cho vùng Hội An và cả vùng lân cận Cù Lao Chàm.
Gắn kết giữa bảo tồn biển Cù Lao Chàm với bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn - Cửa Đại
Vùng biển Cù Lao Chàm và lưu vực Thu Bồn - Cửa Đại có mối giao lưu thủy vực trực tiếp thường xuyên qua chế độ thủy triều, sóng gió và dòng chảy, đồng thời Cù Lao Chàm chịu tác động rất mạnh của nước và phù sa sông Thu Bồn trong mùa mưa lũ. Vì vậy, về phương diện sinh vật và môi trường, có thể nói lưu vực sông Thu Bồn-Cửa Đại và Cù Lao Chàm có mối liên quan mật thiết với nhau. Trước hết, các hệ sinh thái ngập mặn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, nó tích tụ và phân hủy chất thải, lắng đọng trầm tích, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển. Do vậy, rõ ràng rằng các rạn san hô và đa dạng sinh học Cù Lao Chàm được bảo vệ, tránh sự xâm nhập của trầm tích lắng đọng gây chết, giảm độ phủ của trầm tích bùn nhuyễn và các tác động có hại từ nguồn nước sông Thu bồn có sự đóng góp tích cực của hệ sinh thái ngập mặn vùng hạ lưu Thu Bồn - Cửa Đại. Bên cạnh đó, trứng và con non các loài thủy sinh vật có giá trị kinh tế cao từ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, theo các quy luật sinh thái tự nhiên, chúng tiếp cận ngay vào hệ sinh thái ngập mặn để bổ sung cho đa dạng sinh học vùng hạ lưu Thu Bồn - Cửa Đại, kể cả các loài di cư xa như cá Chình, cá Mòi lên tận thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn. Ngược lại, hệ sinh thái DN, đặc biệt là các thảm cỏ biển với độ bao phủ thường xuyên từ 50 - 100% (kết quả khảo sát tháng 7,8/2007 - chưa công bố) là nơi cư trú sinh vật có tính đa dạng sinh học cao, là nơi nuôi dưỡng ấu thể, nguồn giống các loài sinh vật biển có giá trị, trước khi thả chúng về khắp sông lạch hạ lưu sông Thu Bồn cũng như thả chúng về đại dương bao la qua Cửa Đại cho khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và các vùng biển phụ cận.
Sẽ rất hiệu quả, lý thú, hài hòa và rất có ý nghĩa khi thực hiện việc kết nối giữa Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và vùng ĐNN hạ lưu sông Thu Bồn trở thành hành lang bảo tồn thiên nhiên, đồng thời gắn kết với việc phát triển tuyến du lịch sinh thái Hội An - Cù Lao Chàm, trong đó, xây dựng Cẩm Thanh thành làng quê du lịch sinh thái đặc thù kết hợp chặt chẽ với bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước là bước đi đầu tiên, là xuất phát điểm cho một kế hoạch phát triển bền vững ở khu vực. Ý tưởng trên cũng phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận vùng hạ lưu sông Thu Bồn, khu phố cổ Hội An và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển quốc tế. Việc kết nối đó sẽ làm tăng ý nghĩa về tài nguyên môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sinh vật cho khu vực hạ lưu Thu Bồn - Cửa Đại cũng như cho khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm và cả ý nghĩa về mặt du lịch sinh thái cho Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Nguyễn Hữu Đại, Viện Hải dương học, Nha Trang - Phạm Viết Tích, Sở Thủy sản Quảng Nam
Nguồn tin: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao ChàmÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn