MỘT SỐ GIÁ TRỊ VĂN HÓA NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở HỘI AN

Thứ bảy - 30/06/2012 15:39

Nghề truyền thống Hội An được hình thành sớm nhất từ thế kỷ XV lúc mà cư dân Việt từ Bắc bộ vừa mới đặt chân đến Hội An, một vùng đất mới để định cư. Từ đó đến nay, trải qua từng giai đoạn lịch sử đã có nhiều ngành nghề mới được hình thành và góp phần làm phát triển kinh tế thương cảng, đô thị Hội An, qua đó tạo nên sự phong phú của giá trị văn hóa nghề truyền thống Hội An.

rong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số giá trị văn hóa tiêu biểu bộc lộ rõ nét trong văn hóa ngành nghề ở Hội An.Về đặc điểm sản phẩm: Đặc điểm rất rõ nét của sản phẩm nghề truyền thống ở Hội An là đa dạng về chủng loại, giá trị sử dụng. Các nghề rèn, mộc, dệt chiếu, nghề làm đầu Thiên cẩu... đều thấy thợ thủ công phân loại sản phẩm thành đồ kép tức sản phẩm được làm chắc, bền, trang trí đẹp mắt theo yêu cầu của người sử dụng và đồ mớp tức hàng làm bán đại trà ở chợ. Về loại hình sản phẩm, nghề gốm Thanh Hà có ít nhất 42 loại sản phẩm truyền thống là đồ gốm, sành đáp ứng nhu cầu gia dụng, sản xuất thủ công, tín ngưỡng, xây dựng. Nghề mộc có lượng sản phẩm khá đồ sộ đó là các công trình kiến trúc gỗ, ghe thuyền, đồ mộc gia dụng, mỹ nghệ. Trong nông nghiệp, ngoài lúa, hoa màu, nông dân Hội An còn tận dụng địa hình để nhiều sản phẩm đặc thù là rau Trà Quế, thuốc lá Thanh Hà, cây cảnh... góp phần làm phong phú sản phẩm nông nghiệp ở Hội An.
http://hoianheritage.net/userfiles/image/LinhTinh/Nghe%20gom%20Thanh%20Ha.jpg
Lễ tế tổ nghề gốm Thanh Hà
http://hoianheritage.net/userfiles/image/LinhTinh/Nghe%20gom%20Thanh%20Ha%20(1).jpg
Chuốt gốm
Sản phẩm ở Hội An có giá trị đặt biệt do vị trí địa lý hoặc kỹ thuật chế tác tinh xảo tạo nên. Yến sào, cá chuồn, cá nục là sản phẩm đặc trưng ở Hội An bởi những sinh vật này thích nghi với môi trường biển đảo Hội An. Gốm, sành Thanh Hà không có men nhưng hình dáng mềm mại, áo gốm lán mịn, xương chắc, loại hình đa dạng nên đã được ghi danh trong chính sử triều Nguyễn là Đại Nam Nhất thống Chí. Đồ mộc gia dụng Kim Bồng được gia công, khảm cẩn rất tinh xảo, có nhiều đồ án trang trí đẹp mắt nên đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của giới thương nhân ở Hội An, Quảng Nam và các tỉnh lân cận...
Về tri thức dân gian của nghề: Hầu hết các sản phẩm của nghề truyền thống ở Hội An đều trải qua những công đoạn phức tạp: Nhóm nghề nông đều phải thực hiện theo qui trình: Chọn giống - gieo trồng - chăm bón - thu hoạch - tiêu thụ. Trong nhóm nghề thủ công, tuy mỗi nghề có ít nhiều công đoạn khác nhau nhưng nhìn chung đều phải thực hiện các công đoạn cơ bản: Mua, chọn nguyên liệu - xử lý nguyên liệu - chế tác - làm nguội - thành phẩm - phân phối. Trong nhóm nghề khai thác đánh bắt các ngư dân thường đánh bắt theo các bước sau: Nắm bắt thời tiết, thời gian - chuẩn bị ngư lưới cụ - thăm dò địa hình, địa bàn, đối tượng đánh bắt - khai thác, đánh bắt - bảo vệ sản phẩm hoặc sơ chế. Có thể nói văn hóa nghề là một bộ phận lưu giữ khối lượng tri thức dân gian khá đồ sộ thể hiện tập trung các lĩnh vực sau: Chọn nguyên liệu sản xuất hay nhận biết, chọn địa bàn để khai thác đánh bắt, trồng trọt, tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chế tác sản phẩm và tri thức phân loại, tiêu thụ sản phẩm.
http://hoianheritage.net/userfiles/image/LinhTinh/Nghe%20trong%20rau%20TQ.jpg
Nghề trồng rau Trà Quế
Trước tiên, về tri thức dân gian chọn nguyên liệu. Có nhiều nghề cùng sử dụng chung nguyên liệu chính hay nguyên liệu phụ thì người ta có kinh nghiệm chọn lựa nguyên liệu giống nhau. Các thợ làm đầu Thiên cẩu, làm lồng đèn, đan thúng, rổ đều chọn tre không quá non, quá già, dẻo để dễ uốn. Có khi trong một nghề mà với mỗi sản phẩm phải chọn mỗi nguyên liệu phù hợp. Ở nghề mộc, ghe được đóng từ loại gỗ cứng, ít bị ăn mòn, ẩm mốc như lim, kiền kiền, chò, quỷnh, làm đồ mỹ nghệ lại dùng gỗ có màu sáng, bóng, vân nổi đẹp như xà cừ, mít, trắc mật, mun... Ngoài ra, người ta còn phải nắm bắt địa điểm xuất xứ để nhận biết nơi nào cho ra nguyên liệu tốt, xấu, với nghề gia công sen, người ta chọn sen trồng ở các bàu có nước sâu, đất bùn để sen có quả to, tròn, dòn, ngược lại, sen trồng ở đất cát cho hạt nhỏ và sượng...
Kỹ thuật chế tác, gia công, trồng trọt để cho ra một sản phẩm tốt cũng là một nguồn tri thức lớn được hình thành từ kinh nghiệm chế tác. Tùy từng sản phẩm mà người ta có cách chăm bón, chế tác thích hợp thì mới cho ra sản phẩm tốt. Chẳng hạn như trong nghề trồng rau Trà Quế, với loại cây gieo hạt thì phải làm tốt khâu chọn hạt giống, rải và che phủ hạt để khỏi bị rửa trôi. Những loại cây trồng bằng nhánh là rau húng, rau răm có cách trồng khác, người ta phải tách nhánh rồi mới cấy. Trong nghề rèn, mức độ nung cũng tùy vào từng loại sản phẩm, rựa là vật dụng cần độ cứng, bén cao vì vậy thợ rèn phải nung ít nhất qua 5 - 10 lửa (lần). Nhưng đồ chịu nhiều phản lực, độ dày không cao như cày, cuốc, xẳng nung quá nhiều lửa sẽ dễ dòn, dẽ gãy. Về phân loại sản phẩm, có rất nhiều tri thức còn được bảo tồn phản ánh tư duy văn hóa quan sát, ngôn ngữ khá đặc sắc của ngành nghề ở Hội An. Thợ gốm Thanh Hà phân loại một số sản phẩm sành theo số học như gọi hủ 6 (làm từ 6 con đất), hủ 5, hủ 4... hoặc dựa vào đặc điểm sử dụng mà gọi tên như âu suốt (âu đựng suốt chỉ dệt vải). Để phân biệt trạng thái sản phẩm, thợ gốm dựa vào màu sắc thể hiện trên da sành mà gọi tên, đơn cử là: Chàm tố gạch (đồ gốm có màu xanh chàm, giữa trôn có vòng tròn màu đỏ lợt)...
Về tín ngưỡng: Do yêu cầu cần một sự hỗ trợ về tâm linh trong quá trình chế tác buôn bán mà hầu hết các nghề đều có những hình thức tín ngưỡng, tế lễ để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động nghành nghề. Có thể thấy biểu hiện qua các hình thức lễ/lễ hội là lễ tế Tổ nghề, thần bảo trợ ngành nghề, các lễ tế cầu được mùa, cầu an. Qua khảo sát của chúng tôi ở Hội An có 8 nghề có lễ hội liên quan đến nghề. Đó là lễ tế tổ của các nghề gốm Thanh Hà, nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến, nghề rèn, nghề may, nghề y, nghề thêu; lễ cúng thần nông, lễ cầu bông trong nông nghiệp lễ cầu ngư trong nghề đánh bắt thủy hải sản. Lễ/lễ hội ở mỗi nghề có qui mô tổ chức khác nhau nhưng đều thực hiện theo nghi thức tế lễ truyền thống của Việt Nam. Trong một số lễ tế còn có nhiều tập tục, sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Ngày xưa, trước và sau lễ tế nghề mộc, gốm, cầu ngư người ta thường mời đội Hát đội về diễn mừng làm cho không khí lễ hội thêm rộn ràng. Trong lễ tế nghề gốm còn có tục rước Long Chu - một tục lệ cầu an, cầu may khá đặc biệt ở Hội An. Lễ cầu ngư lại có hát múa bả trạo - một hình thức diễn xướng phục vụ nghi lễ rất đặc trưng của ngư nghiệp vùng duyên hải Nam Trung bộ. Lễ hội ngành nghề đã góp phần làm cho bản sắc văn hóa tín ngưỡng Hội An thêm đa dạng.
Về phân công lao động: Nhìn chung trong nhiều nghề vai trò của phụ nữ và nam giới đều rất quan trọng hỗ trợ cho nhau, nam giới đảm nhiệm những công việc nặng, phụ nữ làm những việc nhẹ hoặc cần sự kiên trì, cẩn thận. Trong nghề nông là chồng cày vợ cấy, với nghề gốm là đàn ông làm đất, nhắm phơ, chất lò, phụ nữ chuốt gốm... Sự phân công mang tính dung hòa này tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình làm cho hoạt động sản xuất hiệu quả hơn. Nhưng có một số nghề do công việc nặng nhọc hoặc phụ thuộc nhiều vào tín ngưỡng như nghề rèn, nghề mộc, ngư nghiệp, tỷ lệ nam giới làm việc gần như là 100%. Trong một số nghề có hình thức đổi công giữa các hộ sản xuất. Nghề nông, dệt chiếu, nghề gốm do tính chất mùa vụ cao nên nhiều lúc mỗi hộ sản xuất không thể tự hoàn thành công việc nên đổi công cho nhau nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi riêng cho mỗi hộ. Làm đổi công tạo điều kiện cho các gia đình, hộ sản xuất có cơ hội học tập, tích lũy kinh nghiệm sản xuất, tăng cường quan hệ, tình đoàn kết trong cộng đồng thợ, làng xóm. Công tác truyền nghề cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Hình thức tự dạy nghề trong gia đình rất phổ biến, nhiều gia đình đã truyền nghề qua nhiều đời, điều này có thể thấy trong nghề gốm, rèn. Có một số nghề như nghề mộc, may... lại truyền nghề bằng cách nhận dạy học trò miễn phí nhưng học trò phải làm công, phụ việc trong gia đình thầy dạy. Có một số nghề có tính chất đặc biệt có nhiều bí quyết mà việc truyền nghề chỉ dành cho con, cháu trong gia đình như nghề y, nghề chế biến thực phẩm, gia công lâm thổ sản để đảm bảo bí quyết gia truyền và giữ vững uy thế trong cạnh tranh.
http://hoianheritage.net/userfiles/image/LinhTinh/Nghe%20dong%20ghe.jpg
   Nghề đóng ghe
Quy mô, tổ chức cũng là một trong những biểu hiện giá trị phát triển của nghề truyền thống Hội An. Đã có nhiều nghề với đa phần cư dân của những làng/xóm hành nghề như mộc Kim Bồng, nghề trồng rau Trà Quế, thau thiếc Mậu Tài... Cũng có những phường, vạn nghề chuyên nghiệp như Xuân Mỹ, Tân Hiệp, Đế Võng... Nam Diêu - Thanh Hà là ấp làm gốm chuyên nghiệp và ở mỗi xóm còn có đơn vị phổ nghề là Trung Lương, Trung Hòa. Vào thời kỳ Pháp thuộc, đã có một số nghề hình thành nên hiệp hội như nghề may, khuân vác.  Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh, nhiều ngành nghề ở Hội An cũng đã đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian lao động, giá thành sản phẩm, đa dạng mẫu mã sản phẩm như nghề may, thêu, mộc.
Trương Hoàng Vinh
 

 

Nguồn tin: Trung tâm QLBTDS Hội An

 Từ khóa: hội an

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VIDEO HỘI AN
  • Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh Hội An
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần II
  • Đất và người Cẩm Thanh
  • Tham quan sông nước Cẩm Thanh
  • Dân ca Bài chòi ở Hội An
  • Nghệ thuật xếp lá dừa
  • Ẩm thực chợ phiên Hội An thế kỷ XIX
  • Xã Cẩm Thanh chung sức ươm mầm phần I
  • Cuộc sống quê xưa
  • Cẩm Thanh - mảnh đất anh hùng
Thăm dò ý kiến

Chất lượng dịch vụ phụ vụ quý khách

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay7,247
  • Tháng hiện tại98,968
  • Tổng lượt truy cập16,244,836
Hỗ trợ trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây