Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua Hội An đã đi lên chính từ đô thị cổ - di sản văn hóa thế giới, thông qua sự phát triển DL, dịch vụ từ những giá trị và “vẻ đẹp không trùng lắp”. Nhưng phải nói thêm rằng, Hội An bắt đầu giàu lên, hấp dẫn lôi cuốn du khách hơn nhờ đã biết kết hợp khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh thái và tận dụng các lợi thế. Khu biển đảo Cù Lao Chàm như “một nàng tiên cá” ngủ quên giữa lòng biển cả suốt một thời gian dài bỗng bừng tỉnh giấc sau khi được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới (tháng 6.2009). Với những ưu thế nổi trội về môi trường sinh thái, về sự kết nối giữa văn hoá với sinh quyển, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An trở thành viên ngọc quý giá. Trong năm 2012, mặc dù Hội An chỉ đón 1,375 triệu lượt du khách, giảm 6% so với năm 2011 nhưng riêng lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm lại tăng đột biến với hơn 100.000 lượt, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An đánh giá: “Điều đó cho thấy chủ trương chuyển dịch, phát triển các loại hình tham quan DL ngoài phố cổ, nhất là DL sông nước, biển đảo là đúng hướng và ngày càng có sức thu hút đối với du khách”.
Du khách đến Hội An không chỉ để chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc với hơn 1.000 di tích nghệ thuật; tìm hiểu, thưởng lãm những giá trị văn hóa phi vật thể, văn hóa nhân văn biểu hiện qua lối sống, phép ứng xử của con người Hội An. Du khách cũng có thể hòa mình vào các lễ hội dân gian, sinh hoạt cộng đồng ở phố cổ, và khám phá một vùng biển đảo thơ mộng, kỳ thú; những bãi biển dài, cát trắng, còn nguyên nét hoang sơ như An Bàng (một trong 50 bãi biển đẹp trên thế giới), lộng gió thoáng đãng như Cửa Đại. Ngược dòng Thu Bồn, du khách trải nghiệm theo những chuyến đò dọc hay dã ngoại sông nước nơi rừng dừa Bảy Mẫu…
Bình yên sông nước Hội An.
Thông qua các hoạt động dịch vụ,người dân ở các địa phương tham gia dù trực tiếp hay gián tiếp đều tìm kiếm được nguồn thu nhập tương đối ổn định, cải thiện đời sống. Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết, khách đến tham quan Cù Lao Chàm ngày càng đông khiến cho các dịch vụ DL phát triển mạnh. Hiện trên đảo có 80 hộ làm dịch vụ DL, 46 hộ tham gia dịch vụ lưu trú, tăng hơn nhiều so với trước. Phần lớn điều kiện kinh tế của các hộ này đã khá lên trông thấy. Một số lao động chuyển từ nghề biển bấp bênh sang làm dịch vụ xe, thuyền đưa đón khách DL cũng tăng thu nhập.
Tại Cẩm Thanh, vùng quê phát triển DL sinh thái đặc thù theo định hướng của HĐND thành phố, tuy người dân mới làm quen với các dịch vụ mang tính cộng đồng (như đưa khách tham quan rừng dừa, bơi thuyền thúng câu cá, chài lưới trên sông lạch… thông qua hợp tác với một số doanh nghiệp, khách sạn) nhưng bước đầu cũng có nguồn thu ổn định. “Hiện đã có 2 gia đình đầu tư xây dựng xong cơ sở lưu trú để mở dịch vụ homestay, địa phương cũng đã thành lập được 2 tổ DL cộng đồng và đưa vào khai thác tour tham quan 6 địa điểm sinh thái bằng xe đạp trong năm 2013”, ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết.
Song, để phát triển DL sinh thái một cách bền vững, trong thời gian tới chính quyền thành phố cần chú trọng giải quyết hài hòa, thỏa đáng lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động, quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Sự nhìn nhận: “Yếu tố cộng đồng, vai trò sáng tạo của chủ thể người dân cần được coi trọng trong hành trình phát triển DL sinh thái ở Hội An. Nâng cao chất lượng sản phẩm DL là chiều sâu, mở địa bàn hoạt động dịch vụ ra vùng ven là chiều rộng. Phải tạo sự lan tỏa rộng ra các vùng để mọi người dân Hội An đều biết làm và khá lên từ DL”.
ĐỖ HUẤN
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn