Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


TỘC HỒ VỚI NGHỀ YẾN THANH CHÂU QUA MỘT SỐ VĂN BẢN HÁN - NÔM

Nghề khai thác yến sào ở Thanh Châu(2) có lịch sử hình thành khá lâu đời và đã được nhiều tư liệu thư tịch ghi chép lại, trong số đó các tư liệu Hán- Nôm là chiếm đa số. Thông qua tư liệu đã cho thấy vai trò quan trọng của nghề khai thác yến Thanh Châu cũng như những tộc họ, nhân vật liên quan đến nghề này qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, dưới thời nhà Nguyễn nghề yến Thanh Châu đã có những đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng biển đảo các tỉnh Miền trung.
http://s3.60s.com.vn/image/72008/15/TTO_14425815.jpg

Nghề khai thác yến sào ở Thanh Châu(2) có lịch sử hình thành khá lâu đời và đã được nhiều tư liệu thư tịch ghi chép lại, trong số đó các tư liệu Hán- Nôm là chiếm đa số. Thông qua tư liệu đã cho thấy vai trò quan trọng của nghề khai thác yến Thanh Châu cũng như những tộc họ, nhân vật liên quan đến nghề này qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, dưới thời nhà Nguyễn nghề yến Thanh Châu đã có những đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng biển đảo các tỉnh Miền trung.

Tham gia vào nghề yến Thanh Châu, dưới triều Nguyễn có rất nhiều tộc họ(3), nhưng dòng tộc đứng đầu trong các tổ chức Yến đội, Yến hộ, Quản Tam tỉnh Yến hộ đó là tộc Hồ gốc xã Thanh Châu với những nhân vật tên tuổi là Hồ Văn Hòa, Hồ Văn Học, Hồ Văn Phú…  Theo các nguồn tư liệu Hán - Nôm hiện tồn thì vào ngày 23 tháng 2 Gia Long năm thứ 3 (1804), Hồ Văn Hòa đã có đơn xin quy tập ngoại dân để lập Thanh Châu Yến đội. Công đường quan Quảng Nam  đã chuẩn thuận theo đơn cho phép Hồ Văn Hòa thành lập Thanh Châu Yến đội và giao cho ông giữ chức Yến đội Đội trưởng, có nhiệm vụ suất lãnh dân đinh neo thuyền tại xứ Cù Lao để canh giữ và khai thác yến, hàng năm chiếu lệ đệ nạp yến thuế. Như vậy dưới thời nhà Nguyễn mà cụ thể là vào năm Gia Long thứ 3 Hồ Văn Hòa là người có công trong việc thành lập Thanh Châu Yến đội. Chính do sự kiện này mà hiện nay trong dân gian còn truyền miệng rằng ông Hòa là tổ của nghề yến Thanh Châu, mặc dù trên thực tế nhiều tư liêu thư tịch cổ đã ghi chép rằng người Chăm đã biết đến yến sào. Hay trong hồi ký của các giáo sĩ phương Tây đến Đàng trong, Quảng Nam vào thế kỷ thứ 17 cũng đã ghi chép nhiều về yến sào của xứ sở này, nhưng chỉ tiếc là không thấy họ chép lại việc quản lý, khai thác yến thời bấy giờ, do đó đây là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu.

Lại nói về Hồ Văn Hòa, trong thời gian quản Yến đội Thanh Châu ông đã tích cực củng cố và phát triển đội yến, đệ nạp yến thuế đúng lệ nên ông đã được ban tước Bá là Hòa Đức Bá. Đến ngày 7 tháng 6 Minh Mạng năm đầu (1820), triều đình lại ban lệnh đổi Thanh Châu Yến đội thành Thanh Châu Yến hộ và Hồ Văn Hòa vẫn giữ chức Hộ trưởng với tước Hòa Thuận Tử, trật tòng Cửu phẩm. Từ đó, Thanh Châu Yến hộ không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Hàng năm Yến hộ được triều đình cung cấp thuyền ghe và liên tục được bổ sung dân đinh, cụ thể là vào các năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Minh Mạng 26 (1825) với sự trình bẩm của Hồ Văn Hòa, triều đình đã chuẩn cho phép ông tuyển mộ thêm dân đinh bổ sung vào Yến hộ và tất cả những dân đinh này được miễn các loại thuế thân, thuế tạp dịch khác… mà mọi thứ thuế này được tính vào trong số lượng tổ yến đệ nạp hàng năm của Yến hộ. Làm như vậy triều đình vừa đỡ lo lắng việc mộ binh mà còn giải quyết được vấn đề kinh tế thu hoạch sản vật quý và quan trọng là vừa có quân canh giữ ở các vùng biển, đảo Trung bộ - những địa điểm trọng yếu nằm cạnh kinh kỳ. Với những đóng góp ngày càng nhiều cho Yến hộ, vào ngày 14 tháng 2 Minh Mạng năm thứ 5 ( 1824), Hồ Văn Hòa được thăng thọ Chánh đội trưởng, tước Hòa Đức Hầu, trật tòng Lục phẩm.

Dưới thời Nguyễn, ngoài Thanh Châu Yến hộ ở Quảng Nam, trong khu vực miền Trung còn có các Yến đội ở Bình Định và Khánh Hòa. Vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Đội trưởng Yến đội Bình Định là Trần Văn Thư bị cách chức, triều đình đã giao cho Hồ Văn Hòa kiêm quản Yến đội Bình Định. Để củng cố Yến đội này, Hồ Văn Hòa lại tiếp tục trình xin chiêu mộ dân đinh lên đến 40 người để bổ sung vào đội và trong thời gian đó Đội này cũng được đổi tên là Bình Định Yến hộ. Từ đó vai trò của Hồ Văn Hòa được nâng cao, nhưng vào ngày 11 tháng 6 Minh Mạng năm thứ 12 (1831), Bộ binh truyền lệnh cho Hồ Văn Hòa phải giao nộp toàn bộ sổ bộ của các Yến hộ lên cho Bộ quản lý và Hồ Văn Hòa phải thường xuyên báo cáo để Bộ theo dõi. Như vậy, đến năm 1831 Bộ binh đã hoàn toàn nắm giữ việc quản dân đinh của các Yến hộ và những hoạt động của các Yến hộ đều phải chịu sự giám sát của Bộ này. Ba năm sau, vào ngày 30 tháng 8 Minh Mạng năm thứ 14 (1834), Hồ Văn Hòa được chuẩn thăng thọ Cai đội, trật tòng Ngũ phẩm và phải nghe theo lệnh của quan quản hạt tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian này, Hồ Văn Hòa được triều đình điều động đến định thuế yến ở Côn Lôn và thuế trầm ở đảo Phú Quốc cùng các vị quan viên như Nguyễn Văn Chương, Lâm Duy Nghĩa, Hà Duy Phiên, Doãn Uẩn, Phan Thanh Giản,… Với những công lao mà Hồ Văn Hòa đã không chỉ đóng góp cho các hộ yến ở Trung bộ mà còn tham gia vào nhiều việc quan trọng khác của triều đình nên vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1842) Hồ Văn Hòa được thăng thọ Phó Quản Cơ. Đây là một chức vụ lớn nhất mà ông được ban tặng và mãi giữ chức vụ này cho đến khi được chuẩn cho về hưu trí vào năm Tự Đức thứ 8 (1855).

Người kế tục Hồ Văn Hòa giữ chức vụ quản Yến hộ là Hồ Văn Học, con trai của Hồ Văn Hòa. Vào ngày 23 tháng 11 Tự Đức năm thứ 8 (1855), theo sự đề nghị của Hồ Văn Hòa, Hồ Văn Học(4) đã được bổ làm Yến hộ Hộ trưởng, quản Tam tỉnh Yến hộ Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Có thể nói đến đời Hồ Văn Học, các Yến hộ đã được củng cố ổn định, hàng năm cứ chiếu lệ mà nộp thuế yến cho triều đình, việc binh bị thì có Bộ binh và các quan quản hạt can dự nên trong suốt thời gian này chưa thấy tư liệu đề cập đến nhiều và cũng chưa tìm thấy các thông tin ghi chép về chức vụ nhà nước của Hồ Văn Học nhậm giữ như Hồ Văn Hòa trước đây.

Sau Hồ Văn Học là Hồ Văn Bình tiếp tục được giao nhiệm vụ quản tam tỉnh Yến hộ, rồi đến Hồ Văn Trứ, Hồ Văn Phú tiếp tục thay nhau giữ chức vụ quản Tam tỉnh Yến hộ này. Ngoài những vị chủ chốt trên đây, trong tộc Hồ còn có nhiều người được phái vào làm Hộ trưởng ở Bình Định và Khánh Hòa như Hồ Văn Khải, Hồ Văn Yên,… Mãi đến thời Đồng Khánh, tộc Hồ xem như mất vai trò đối với việc quản lý nghề yến Thanh Châu nói riêng, Tam tỉnh Yến hộ nói chung. Việc này bắt đầu từ lệnh chuẩn cho Hồ Văn Phú nộp thuế yến bằng ngân lượng thay vì nộp bằng tổ yến như trước đây và cũng trong thời gian này đã có sự nhúng tay của người Pháp, họ đã chuyển từ hình thức giao yến hộ cho một tổ chức quản lý khai thác sang hình thức đấu thầu rồi nộp thuế. Theo tờ trình bẩm của Hồ Văn Trứ và Hồ Văn Phú lên quan Công sứ Nam Ngãi ở Cửa Hàn thì mặc dù tộc Hồ và các Yến hộ thiết tha xin cứu xét vì tổ tiên của họ đã có nhiều công lao với nghề này nhưng những thỉnh cầu đó vẫn không được chấp nhận và nhiều người Hoa (Thanh nhân) đã trúng thầu, nhiều người trong các Yến hộ trở thành người làm công cho các công ty Yến thuế của Hoa Kiều.

Hiện nay, khi nói đến nghề yến Thanh Châu, nhiều người, nhiều sách vở vẫn nhắc đến vai trò của họ Hồ, một tộc họ đã có nhiều đóng góp vào việc hình thành và phát triển của nghề yến trong giai đoạn trị vì của triều Nguyễn. Những ngôi mộ tổ của tộc Hồ từ Hồ Văn Hòa đến các hậu duệ(5) của ông vẫn được tộc họ và các cơ quan ở địa phương gìn giữ, khói hương như để tri ân đến những bậc tiền nhân của một tộc họ có nhiều đóng góp về kinh tế, an ninh quốc phòng vùng biển đảo không chỉ cho Thanh Châu mà cho cả tam tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.

 
Tống Quốc Hưng

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây