Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Hội An với "hồn tre lối cỏ"

(Cadn.com.vn) - Tre và cỏ là hai loại cây rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Ta có thể bắt gặp chúng ở khắp mọi nơi nhưng ít ai có thể nghĩ rằng hai loại cây ấy có thể đem lại nguồn lợi kinh tế. Ở Hội An, tre và cỏ không chỉ giúp người nông dân nơi đây có thu nhập cao mà còn tạo ra cho đô thị cổ một nét riêng biệt, thu hút không ít khách du lịch đến tham quan.
Hồn tre...
Từ ngàn xưa, cây tre đã là biểu tượng của cốt cách con người Việt Nam. Ví như người Nhật có hoa anh đào, người Hàn Quốc có hoa râm bụt... Tre bình dị, mộc mạc nhưng rất dẻo dai, tre mỏng manh nhưng lại “nên lũy nên thành”. Chính vì những phẩm chất đáng quý đó nên người xưa đã dùng tre để tạo nên rất nhiều loại hình nghệ thuật, tiêu biểu là loại hình viết thư pháp lên tre ra đời sớm nhất. Và, nghệ thuật xưa giờ sống lại mạnh mẽ giữa lòng phố cổ Hội An. Thử dạo một vòng quanh Hội An, không khó để bắt gặp các cửa hàng bày bán tác phẩm thư pháp viết trên tre. Được tận mắt chiêm ngưỡng, chạm tay vào từng đường nét của các chữ “tâm”, chữ “nhẫn” được chạm khắc một cách tinh xảo trên gốc tre mộc mạc mới thấy hết ý nghĩa mà các nghệ nhân nơi đây gửi gắm vào.
Sự bình dị, thân thuộc của gốc tre cộng với sự uyển chuyển của bút pháp đem lại cho người xem sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Một nghệ nhân diễn giải với tôi rằng: “Để tạo ra được một chữ thư pháp trên gốc tre phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên phải chọn gốc tre già có thế đứng, mà tre phải được lấy từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch mới làm được. Sau đó đem xử lý để tre không bị mốc rồi tiến hành khắc chữ. Về cách viết thì có nhiều cách nhưng chủ yếu vẫn theo lối viết chân, thảo, lệ, truyện có trong chữ Hán”. Hiện nay, để phục vụ cho khách du lịch, những người thợ trẻ ở đô thị cổ Hội An nghĩ ra nhiều cách viết rất đa dạng. Họ không còn bó hẹp trong chữ Hán mà còn dùng chữ Việt để viết thư pháp hoặc làm theo yêu cầu của khách. Tiệm chạm khắc của anh Võ Ngọc Bảo trên đường Trần Phú - Hội An hằng ngày đón rất nhiều khách du lịch đến đây tham quan, phần lớn trong số đó là người nước ngoài.
Những nét chữ mềm mại được khắc trên gốc tre khô cằn luôn cuốn hút khách du lịch, họ càng thích thú khi được cầm đồ nghề khắc tên mình lên tre. Anh Bảo nói với tôi: “Khách du lịch rất thích tự tay làm lấy, họ làm rất vụng có khi mình phải chỉ từng chút một nhưng hoàn thành xong tác phẩm thì chủ- khách ai cũng vui! Cũng theo anh Bảo, thời gian thịnh vượng của nghề viết thư pháp trên tre là từ năm 2001 - 2002, khi đó trên địa bàn Hội An có gần chục tiệm. Sản phẩm làm ra không chỉ bán cho khách du lịch mà còn để xuất khẩu nhưng hiện nay thư pháp trên tre đang có nguy cơ chững lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải khách du lịch không còn thích thú mà nguyên nhân nằm ở khâu xử lý tre trước khi tạo ra sản phẩm. Nếu làm theo cách truyền thống là đem tre ngâm xuống nước thì du khách không thể chịu nổi mùi “inh ỉnh” của tre ngâm, còn xử lý bằng lưu huỳnh rất độc hại. Đã có trường hợp một lô hàng xuất khẩu qua Australia bị trả về lại do dư lượng lưu huỳnh quá cao. Anh Bảo tâm sự: “Tôi mong các nhà khoa học tìm được cách bảo quản tre sao không độc hại để có thể xuất khẩu thư pháp trên tre sang các nước. Chứ cái đà này, nghề thư pháp tre sẽ chết một cách  quá oan uổng!”. Tâm trạng của anh Bảo cũng là nỗi niềm chung của người dân sống bằng nghề này ở đô thị cổ Hội An.
http://cadn.com.vn/Images/Infor/Chung/2008/193/58%20%281%29.jpg

Một nghệ nhân với những tác phẩm thư pháp trên tre.
Lối cỏ làm giàu...
Vài năm trước, người dân sống ở P. Cẩm An - Hội An như lên "cơn sốt" khi hay tin anh Nguyễn Thế Dũng, người ở địa phương, nhờ trồng cỏ mà giàu lên một cách nhanh chóng. Mọi người bán tín, bán nghi chỉ riêng anh Dũng thì cười đắc ý. Không đắc ý sao được, khi nhờ cỏ mà anh Dũng đã xây được ngôi biệt thự "to đùng" và còn sắm sửa được nhiều vật dụng khác. Thứ cỏ anh Dũng trồng là loại cỏ được trồng trong các resort. Bây giờ nhớ lại khoảng thời gian trước, anh Dũng vẫn cảm thấy mình may mắn: “Lúc trước, khi nhà đầu tư tiến hành xây dựng Palm Garden Resort, họ đã giao cho tôi trồng và chăm sóc một loại cỏ, có xuất xứ từ Nhật Bản.
Khi đó tôi làm để lấy tiền công thôi nhưng khi thấy cỏ mọc lên đẹp quá, tôi nghĩ rằng loại cỏ này sẽ đem lại nguồn lợi không nhỏ. Nên đến thời gian giao cỏ cho Palm Garden Resort tôi nhất quyết không nhận tiền mà chỉ lấy lại 10%  số cỏ. Từ 10% cỏ ấy tôi nhân rộng lên và khi các resort có nhu cầu tôi sẽ bán lại cho họ. Năm 2004, 1m2 cỏ này tôi bán 70 - 80 ngàn đồng!”. Biết nắm bắt thời cơ nên anh Dũng nhanh chóng thu về nhiều lợi nhuận, phần lớn các resort ở Hội An đều đến lấy cỏ của anh như: RESORT Nam Hải, Cát Biển và rất nhiều các resort ở Huế. Khi công việc đã ổn định anh Dũng còn tạo điều kiện cho mọi người xung quanh cùng trồng cỏ. Vì thế, hiện nay trên địa bàn P. Cẩm An và các phường lân cận nhiều người đã trồng loại cỏ này.
Chị Nguyễn Thị Huệ, người P. Cẩm An, phấn khởi nói: “Lúc trước, cũng một vạt đất nhỏ trồng khoai và hành chỉ thu về 200 - 300 ngàn đồng là cùng. Nay trồng cỏ thì một năm thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng, có nhà nhiều hơn!”. Năm 2007, Hội An đã rơi vào tình trạng “cháy hàng” khi tất cà những nhà trồng cỏ không còn cỏ để bán. Ngoài việc đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, loại cỏ này cũng tạo cho nơi đây một cảnh quan khá đẹp, nhìn rất thích mắt. Công việc chăm sóc cỏ không có gì khó khăn chỉ cần một ngày tưới nước hai lần, bổ sung một ít phân bón thì trong vòng 4 tháng là đã có thể bán. Mặc dù mang lại nguồn thu nhập lớn nhưng những người dân trồng cỏ ở Hội An chỉ tận dụng mảnh vườn nhỏ để trồng, việc trồng còn mang tính tự phát và chưa chú trọng đến việc đầu tư đúng cách. Với đà phát triển của các resort, sân golf trên cả nước như hiện nay thì nhu cầu cỏ tạo cảnh quan là rất nhiều, đó là cơ hội lớn cho những người trồng cỏ ở Hội An.
Mới hay, tre Việt Nam ngày xưa là để “giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh” thì ngày nay tre trở thành những tác phẩm nghệ thuật, góp phần “ngói hóa” những ngôi nhà; cây cỏ ngày xưa người nông dân phải ra sức nhổ đi thì nay lại chăm bẵm, nhờ nó mà thoát nghèo. Quá trình hội nhập của phố Hội đã mang lại cho người nông dân rất nhiều cơ hội, chỉ cần nắm bắt những cơ hội đó thì người nông dân sẽ nhanh chóng làm giàu. Mừng lắm thay!
Ghi chép: Lưu Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây