Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Tiếp cận và bảo tồn di sản bài chòi (bài cuối)

BÀI CUỐI: BÀI TOÁN KHÓ VỀ BẢO TỒN Trước nguy cơ mai một và biến thể, việc bảo tồn những giá trị đặc trưng của nghệ thuật bài chòi là bài toán khó hiện nay.
http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t7/5/trang4a-6.jpg
Đào tạo diễn viên trẻ cho loại hình nghệ thuật ca bài chòi là khó khăn chung của các địa phương hiện nay.Ảnh: N.Q.V

“Đãi cát tìm vàng”

Không thể phủ nhận một vài động thái tích cực nhằm lưu giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của bài chòi từ các ngành, các cấp. Tuy nhiên, cũng có thể thấy là các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bài chòi vẫn chưa được đầu tư thích đáng. Thời gian qua, các loại hình nghệ thuật dân gian, đặc biệt là bài chòi, đã được TP.Hội An đưa vào học đường và coi đây là bước khởi đầu cho việc tạo nguồn nghệ sĩ kế cận trong loại hình nghệ thuật bài chòi. Kết quả của việc “vun trồng” này là các nghệ sĩ trẻ như Văn Quý, Thu Hương, Ngọc Minh... đã được định hình. Tuy nhiên, hoạt động hô hát bài chòi ở vùng đất này vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào tài ứng biến của “đầu tàu” là nghệ nhân Lương Đáng.

Đưa nghệ thuật dân gian vào học đường là chủ trương đúng đắn của Bộ VH- TT&DL và đang được nhiều địa phương thực hiện. Nhưng điều quan trọng không chỉ là giáo trình phù hợp mà là có “lọc” ra được những học sinh có năng khiếu và thật sự thiết tha với bài chòi. Hiện nay, tại Hội An có không dưới 10 trường học là nguồn nuôi dưỡng các cá nhân có thể trở thành đội ngũ nghệ sĩ kế cận, nhưng liệu thành phố sẽ đào tạo được bao nhiêu em có tài và thật sự gắn bó với nghệ thuật bài chòi? Theo Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An - Võ Phùng, Hội An có rất nhiều thuận lợi để khẳng định thương hiệu bài chòi. Cái khó nhất để duy trì hoạt động thông suốt và thường xuyên của địa phương là tìm những người thực sự tài năng và gắn bó với nghiệp diễn. Dù đã được quan tâm, chăm lo về nhiều mặt, nhưng đời sống của những nghệ sĩ hoạt động trong loại hình nghệ thuật ca bài chòi vẫn còn nhiều khó khăn. Cũng theo ông Phùng, chỉ khi đảm bảo “nghệ nhân sống được bằng chính hoạt động nghề nghiệp của mình” thì việc đầu tư cho nghiệp diễn của họ mới có chiều sâu hơn.

Đội ngũ nghệ nhân kế cận mỏng, không quá nhiều người thật sự tâm huyết, gắn bó với bài chòi, phương thức tự đào tạo không theo một giáo trình cơ bản nào cũng là khó khăn của Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam. Mỗi năm, đơn vị này có đến 60 - 70 đêm diễn ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Trước khi đêm diễn bắt đầu, thông tin tuyển những người trẻ tuổi thật sự muốn gắn bó với bài chòi lại được xướng lên qua loa phóng thanh. Ngoài ra, các hình thức tuyển dụng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nhờ các đoàn thể cấp xã, thôn loan tin cũng rơi vào vô vọng. “Tìm kiếm chỉ để tìm kiếm vậy thôi. Thời buổi chừ, mấy ai có đủ can đảm để dám thử thách tình yêu với bài chòi” - ông Huỳnh Ngọc Lệ, Trưởng đoàn Dân ca kịch Quảng Nam, nói. Thế mới biết, “đãi cát tìm vàng” nhằm bảo tồn nghệ thuật đặc sắc này khó khăn đến nhường nào!

Khó bảo tồn nguyên trạng

Bài chòi cũng như nhiều loại hình văn hóa dân gian khác như tuồng, chèo, cải lương hay múa rối nước..., muốn tồn tại phải tự thân vận động, đổi mới. Đổi mới là chuyện nên làm nhưng không phải nhân danh đổi mới để rồi… biến chất. Theo ghi nhận của GS. Trần Văn Khê, thời gian qua, các vở diễn ca kịch bài chòi tuy có nhiều điểm mới về sân khấu, âm nhạc, diễn xuất…, nhưng khi xem kỹ, phong cách và tư tưởng của ca kịch bài chòi truyền thống đã bị “nhào nặn” làm cho mai một đi rất nhiều. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, một số vở diễn chưa khai thác được thế mạnh của thể loại dân ca kịch bài chòi. Câu chuyện và tình huống kịch thiếu tính xuyên suốt đã không tạo “đất diễn” cho diễn viên. Các làn điệu được vận dụng vào trong vở kịch thiếu nhất quán khiến lời ca thiếu đi chất trữ tình. Ông Huỳnh Ngọc Lệ cho biết thêm: “Thiếu hụt kịch bản ca kịch bài chòi là thực tế ở rất nhiều địa phương. Việc chuyển thể, dàn dựng để tạo nên “không khí bài chòi thật sự” luôn gặp khó. Một khi tính chất dân dã, mộc mạc của sinh hoạt bài chòi giảm đi thì tính cộng hưởng, đồng điệu trong tiếp nhận của khán giả cũng giảm sút theo. Để có thể tạo dựng và trả lại tính nguyên bản của ca kịch bài chòi không phải là công việc dễ dàng hiện nay”.

Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, thời gian qua, các đoàn dân ca kịch bài chòi ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa đã mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm, nhất là áp dụng các hình thức ngâm thơ theo điệu xuân, điệu ai, hơi quảng (hơi quảng trong nhạc tài tử, cũng chính là hơi xá trong chầu văn). Nhờ vậy, các thế hệ diễn viên, nghệ sĩ trẻ đã bước đầu tạo lập những thành công mới, những giá trị mới. Tín hiệu lạc quan này đã phần nào giúp cho các đoàn xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, bổ sung, làm giàu bản sắc của thể loại dân ca kịch bài chòi. Tuy nhiên, nhiều phân tích, đánh giá của các nhà chuyên môn cũng đã cho thấy, hiện nay trong các vở diễn, việc định hình cấu trúc chung, khai thác tâm lý, hành động nhân vật, công tác xử lý âm nhạc, điệu hát thiếu đi tính nhất quán, xuyên suốt...  khiến cho thế mạnh của thể loại dân ca kịch bài chòi bị giảm sút.

Ngành văn hóa cũng như Đoàn Dân ca kịch bài chòi Quảng Nam đã xác định nhiều trọng tâm cho hoạt động của bài chòi trong thời gian đến. Tuy nhiên, để việc “bảo tồn vốn cổ mà không nệ cổ; sáng tác mới mà không bị Âu hóa, ngoại lai, vẫn còn đậm đà bản sắc dân tộc” như tâm huyết của GS. Trần Văn Khê không phải là việc dễ dàng trong một sớm, một chiều.

NGUYỄN QUANG VIỆT


 

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây