Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Dừa nước Cẩm Thanh

Xã Cẩm Thanh, TP. Hội An có 1.930 hộ thì đã có hơn 2/3 hộ dân sống dựa vào cây dừa nước. Dừa nước Cẩm Thanh đã hiện diện trong nhiều khu resort, khách sạn 5 sao nổi tiếng…
http://baoquangnam.com.vn/images/2009/t9/1/d2909.jpg
Dừa nước trong khu rừng dừa Bảy Mẫu.

Con đường bê tông dài ngoằn ngoèo dẫn vào thôn 2 xã Cẩm Thanh, ngập tràn màu úa đỏ của cọng dừa vừa phơi vài ba nắng. Nhà nhà chứa dừa, người người làm dừa. Theo ông Lê Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, nghề làm dừa nước được xem là một trong những nghề truyền thống lâu đời của Cẩm Thanh. Trong vòng 4 năm trở lại đây, nhu cầu làm nhà dừa nước rất nhiều, người dân ở đây trở nên khấm khá hơn nhờ nghề.

Theo nghề của cha ông

“Quanh năm suốt tháng, dân ở đây quanh quẩn với cây dừa nước. Đây là nghề cha ông để lại mà. Biết bao nhiêu thế hệ trưởng thành, nên người từ cây dừa nước này đấy!” - chị Lê Thị Nhị, một người dân địa phương tâm sự như vậy. Năm nay  chị Nhị 50 tuổi, nhưng đã có hơn 40 năm gắn bó với cây dừa nước. Lúc còn nhỏ, chị đã theo mẹ đi đốn dừa, giúp cha đan tranh. Giờ với tuổi 50 chị lại về đốn dừa, để cho những đứa con trai cùng chồng đem đi khắp nơi  trang trí, xây dựng công trình cho khách hàng.
http://baoquangnam.com.vn/images/2009/t9/1/da_2909.jpg
Ông Trần Bừa - nghệ nhân của làng nghề làm nhà dừa nước xã Cẩm Thanh.

Với ông Trần Bừa - người được xem là nghệ nhân của làng nghề làm dừa nước Cẩm Thanh -  thì nghề lợp nhà, trang trí nhà bằng dừa nước thật sự là một nghề mưu sinh, gắn bó với bao phận người, và đã có từ lâu lắm. 70 tuổi, ông Bừa vẫn rong ruổi cùng hai con trai và hàng chục người thợ của mình khi thì Quảng Trị, lúc thì Đắc Lắc, hễ nơi đâu có người đặt hàng là ông cùng đội thợ của mình lên đường ngay. Có năm hơn 5 tháng ông không ở nhà, và nếu có ở nhà thì ông cũng quần quật lúc thì ngâm tre, lúc thì chẻ cọng dừa. “Cả cuộc đời tôi dường như gắn vào cây dừa. Lúc mẹ sinh ra được vài tháng, tôi đã nằm giữa đống lá dừa để cha mẹ đan tranh, lớn lên chút xíu đã biết đi phơi lá… rồi khi về già tôi vẫn còn muốn làm dừa. Dừa nước là nguồn sống của người dân nơi đây, là niềm tự hào của người Cẩm Thanh chứ không đơn giản đó chỉ là một cây dừa” - ông Bừa khẳng định. 

Xây dựng thương hiệu

Ông Lê Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh: “Sắp tới, chính quyền sẽ triển khai quy hoạch lại cả vùng dừa nước và hình thành một khu tổng hợp tất cả các khâu kỹ thuật của việc làm nhà dừa để du khách tham quan. Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng một thương hiệu dừa nước Cẩm Thanh”.

Sau khi nghỉ mát tại The Nam Hải, vợ chồng ông Nguyễn Cường, một doanh nhân chuyên kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, ngay lập tức tìm đến nhà anh Lê Công Thắng, thôn 2 xã Cẩm Thanh. Ông Cường muốn tận mắt thấy anh Thắng làm những chiếc dù bằng dừa nước và nếu được sẽ đặt hàng ngay mấy trăm chiếc cho khu resort tại Phan Thiết mà vợ chồng ông đang xây dựng. “Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu thợ làm dừa lại làm đẹp và tinh tế như ở đây. Những chiếc dù dừa đặt ở The Nam Hải thật sự đã gây ấn tượng với nhiều du khách. Đơn giản nhưng nhìn thật chắc chắn và thẩm mỹ”- ông Cường tâm sự. Không chỉ có anh Thắng, mỗi ngày các cơ sở làm dừa ở Cẩm Thanh luôn tiếp đón hàng trăm lượt khách đến tham quan và đặt hàng. Có khách hàng muốn trang trí quán cà phê, làm nhà hàng; có người thì muốn tạo cảnh trí khu resort, khách sạn 5 sao… Anh Trần Đình Xê, một thợ làm dừa được xem là “cứng tay” ở Cẩm Thanh cho biết: “Sở dĩ người ta chuộng dừa nước Cẩm Thanh vì dừa ở đây đạt mọi tiêu chuẩn về độ bền đẹp. Quy trình khai thác và xử lý lá, cọng đều được chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt. Dừa phải được đốn vào tháng giêng, tháng 2. Tre mua trên núi về phải ngâm nước mặn đủ 6 tháng. Cọng dừa phải phơi cho đến khi khô trắng mới sử dụng.

http://baoquangnam.com.vn/images/2009/t9/1/db_2909.jpg
Một ngôi nhà mẫu được làm từ dừa nước Cẩm Thanh.

Nắm bắt được nhu cầu cũng như những đòi hỏi của khách hàng sau nhiều chuyến đi, đội ngũ chuyên làm nhà lá dừa nước ở Cẩm Thanh bắt đầu tổ chức hoạt động theo kiểu nhóm, đội để chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Mỗi thợ chính kèm theo 10-15 thợ phụ. Nếu có công trình, đội thợ đó sẽ được tập hợp lại và lên đường... Với giá thành 350.000 đồng/m2 (bao tất cả mọi công đoạn thi công và vật liệu), chi phí như vậy là thấp hơn rất nhiều so với việc sử dụng vật liệu xi măng; hơn nữa những ngôi nhà được làm từ lá dừa luôn chiếm được cảm tình của mọi người, và du khách. Ông Lê Cho, một thợ chính của đội làm dừa nước cho biết: “Với mức giá thành như vậy, sau khi trừ chi phí thu nhập của mỗi thợ khoảng 100-120 nghìn đồng/ ngày. Cái quan trọng hơn nữa là nghề dừa nước chúng tôi không bao giờ sợ thất nghiệp. Nhất là nhu cầu sử dụng nhà lá dừa đang ngày trở nên phổ biến ở nhiều nơi”.

baoquangnam.com.vn


 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây