Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Lê Hà thử thách bản thân với 'Biệt động Sài Gòn 2'

Chạm ngõ phim ảnh, nữ giáo viên dạy múa được mời ngay vào vai nữ nặng ký của phần 2 bộ phim truyền hình nổi tiếng. Công việc diễn xuất cuốn hút Lê Hà đến mức, cô quyết định từ bỏ kinh doanh để dành toàn tâm cho nó.

> ‘Những đứa con biệt động SG’ phỏng chuyên án Năm Cam

- Khán giả dường như chưa biết gì về cái tên Lê Hà. Chị giới thiệu gì về mình?

- 9 tuổi, tôi được ba mẹ cho học múa và piano. Nhà có điều kiện nên tôi có riêng một phòng tập… Năm 1994, gia đình gặp biến cố lớn, mẹ buộc phải bán căn nhà rộng 300 mét vuông để chuyển về sinh sống tại một căn hộ tập thể nhỏ tí. Lúc đó thầy giáo dạy múa khuyên mẹ nên cho tôi thi chuyên nghiệp, nếu đậu thì tiền học của tôi sẽ được nhà nước chu cấp nên đỡ cho mẹ một gánh nặng. Năm 1995, tôi thi vào Cao đẳng nghệ thuật Quân đội và trường múa Việt Nam. Tôi đỗ thủ khoa trường cao đẳng, nhưng chọn học trường múa.

Năm 2003, tôi quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Tôi không đi diễn mà xin vào làm giáo viên dạy múa Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM.

Lê Hà thử thách bản thân với Biệt động Sài Gòn 2
Lê Hà từng là giảng viên múa Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Ảnh: P.V.

- Cơ duyên nào đưa chị đến vai diễn đầu tiên?

- Thú thực, tôi không nghĩ có một ngày mình lại trở thành diễn viên. Mọi thứ đến rất tình cờ. Đúng là một cơ duyên. Tôi nhớ, trong lần đi cafe với bạn, đang rôm rả chuyện trò thì có một người ở bàn bên cạnh bước sang, không ngờ chính là đạo diễn Long Vân. Chú ấy nói tôi rất giống nhân vật Huyền Trang trong bộ phim Biệt động Sài Gòn và chú đang tìm diễn viên cho vai đó. Rồi chú đề nghị tôi thử vai.

Phản ứng của tôi là từ chối ngay. Nhưng chú đã trấn an và thuyết phục tôi nên đọc qua kịch bản. Chỉ đến khi đọc nội dung phim và bị nhân vật cuốn hút, tôi mới đồng ý dự buổi casting.

- Một cô giáo đi đóng phim sẽ như thế nào?

- Tôi không còn là cô giáo nữa rồi (cười). Năm 2007, tôi bỏ nghề dạy múa để kinh doanh thời trang. Những năm đó, đồng lương giáo viên quá ít ỏi, nên tranh thủ thời gian rảnh, tôi đến các chợ đầu mối và các shop thời trang lựa những bộ quần áo hợp mắt, đem về tự tay đính cườm và thêu gửi ra Hà Nội nhờ chị gái bán. Một thời gian sau, tôi mở một shop thời trang nhỏ ở phố Bát Sứ (Hà Nội)…

- Chị có vẻ dễ dàng từ bỏ đam mê của mình?

- Chia tay với múa tôi rất nhớ nghề, bởi múa đã ăn sâu như máu thịt của tôi từ hồi thơ ấu. Tôi nhớ những ngày Hà Nội lạnh, chỉ 6-7 độ mà bộ đồ tập của chúng tôi thấm đẫm mồ hôi, có thể vắt ra nước. Mọi thứ tiền sinh hoạt, ăn uống tôi tự chi trả bằng phần học bổng ít ỏi cùng số tiền đi diễn suốt 4 năm học...

Nhưng cuộc mưu sinh bao giờ cũng cam go. Tôi vẫn nghĩ, mọi việc trong đời diễn ra rất tự nhiên. Khi thấy đam mê cái gì thì cứ hết mình với nó. Chuyện đóng phim cũng thế, tôi xem như một mối duyên mới chứ cũng không nghĩ nó như một bước ngoặt của cuộc đời mình.

Lê Hà thử thách bản thân với Biệt động Sài Gòn 2
Công việc diễn xuất đến với Lê Hà rất tình cờ. Ảnh: P.V.

- Hiện tại đam mê của nghề diễn trong chị lớn thế nào?

- Giờ tôi ngưng kinh doanh để toàn tâm cho phim ảnh. Tôi không sống bằng cát-xê đóng phim. Cát-xê tôi dành đầu tư hết cho vai diễn, thậm chí còn không đủ. Nhưng tôi thích và mê quá trình chuẩn bị cho vai diễn. Để nhập vai, tôi bỏ công tìm hiểu cuộc sống của các chiến sĩ công an và thân phận của các cô gái ăn chơi sành điệu chốn vũ trường.

Trước khi phim bấm máy, tôi phải học võ 2 tháng. Tôi vẫn còn nhớ cảnh quay tôi đi xích lô bắt cướp, lẽ ra phải có cascadeur, nhưng tôi xin tự mình thực hiện. Vì liều lĩnh, tôi bị té sấp xuống đường và bong gân, chảy máu, trầy xước hết một bên người. Sự cố này làm tôi phải ngưng quay mất mấy ngày. Rồi cảnh truy bắt cha con Năm Cam, tôi phải ngâm mình dưới nước cống đặc sệt bùn, xung quanh đầy rẫy phân gà, phân heo. Kết quả là tôi bị mẩn ngứa khắp người. Đó cũng là những kỷ niệm nhớ đời mà không thể có nếu không dấn thân vào nghề diễn.

- Chị lường trước thế nào về những khó khăn của nghề diễn?

- Nghề nào cũng vậy, tôi nghĩ mình không toan tính thì sẽ đến với nó nhẹ nhàng. Tôi chưa hình dung được những gì sẽ đến với mình, chỉ thấy rất vui và hạnh phúc mỗi khi được đứng trước máy quay và được hóa thân vào nhân vật.

- Gần 30 tuổi mới bắt đầu đeo đuổi phim ảnh. Chị dự đoán mức độ đón nhận của khán giả thế nào?

- Lúc còn dạy múa ở trường, tôi đã nhận được nhiều lời mời đóng phim. Nhưng đến giờ duyên mới tới. Không có gì là quá muộn cả, bởi trên thế giới, rất nhiều diễn viên bắt đầu nổi tiếng và vào nghề khi tuổi không còn trẻ. Quan trọng là làm việc gì mình cũng có đam mê và hết mình. Thành công sẽ tự đến thôi.

- Chị sống với ai ở Sài Gòn?

- Ngày trước, mẹ thường xuyên vào thăm, chia sẻ với tôi mọi vui buồn trong cuộc sống. Nhưng, tôi vừa phải gánh chịu nỗi mất mát quá lớn, mẹ không còn bên tôi nữa. Với cú sốc này, thực sự bây giờ tôi cảm thấy rất đơn độc.

'Hôn nhân phải dựa trên tình cảm của hai người chứ không là tờ giấy đăng ký'. Ảnh: P.V.

- Sao chị không tìm một người đàn ông để chia sẻ?

- Ngày trước tôi quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp vì người yêu đó chứ. Nhưng mọi việc không suôn sẻ.

- Đổ vỡ đó khiến chị không giữ được lòng tin, hay còn lý do nào khiến giờ này chị vẫn chưa kết hôn?

- Tôi nghĩ trong tình cảm thì không nên có sự ràng buộc, vì như thế sẽ đẩy nhau đến trách nhiệm. Ai cũng phải gồng mình mà thực hiện cái trách nhiệm ấy thì không còn sự thăng hoa nữa.

Tuy nhiên, mối quan hệ có đăng ký kết hôn và đánh dấu bằng một đám cưới thì sẽ có niềm hạnh phúc riêng. Cái quan trọng vẫn là phải có tình cảm với nhau, chứ nếu hết tình thì tờ giấy đăng ký kia cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Tác giả bài viết: Tất Thắng

Nguồn tin: Sưu tầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây