Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Khơi thông sông Cổ Cò

UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đang xúc tiến một dự án khơi thông sông Cổ Cò để khai thác, phát triển du lịch đường sông nối Hội An - Đà Nẵng.

Lai lịch một dòng sông

Theo Đại Nam nhất thống chí, Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) nằm vùng cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía Tây núi Tam Thai  (tức Non Nước ngày nay) nhập với sông Cẩm Lệ. Từ cuối thế kỷ 19, sông Cổ Cò bắt đầu bị bồi lấp, nước sông cạn, tàu thuyền không đi lại được. Thế kỷ 17, được coi là thời huy hoàng của quá trình giao thương, buôn bán tại Hội An, các thương nhân Nhật Bản lẫn Trung Hoa lúc bấy giờ thường sử dụng thủy lộ này để ra - vào Đà Nẵng - Hội An. Từ khi bị bồi lấp, toàn tuyến sông Cổ Cò từ Đà Nẵng đến Hội An dài hơn 29 km (trong đó đoạn chảy qua Đà Nẵng 9 km, Quảng Nam hơn 19 km) chỉ còn lại một vài khúc sông cạn và ngắn.

http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20125/Vu/305/song-co-co.jpg;pvb8ce42d9b482690e
Một đoạn sông đang được nạo vét ở Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Trà

Thậm chí ở khu vực giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam hiện nay, sông bị bồi lắng hoàn toàn, khiến chính quyền hai địa phương trong nhiều năm đã cấp đất cho nhà đầu tư bất động sản... chiếm hết cả sông. Vì vậy, khi ý tưởng khơi thông sông Cổ Cò hình thành, UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã cùng ngồi lại tìm biện pháp tháo gỡ, xác định lại ranh giới, đổi đất cho các nhà đầu tư, để nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò. Theo đó, toàn bộ dòng sông sẽ nạo vét chiều rộng tối thiểu 90 m và tùy nơi, chiều rộng tối đa có thể lên trên 120 m. Thời gian thực hiện được xác định trong năm 2013.

Dự án hàng ngàn tỉ đồng

Về dự án này, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là một dự án lớn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho hai địa phương, nhất là khai thác du lịch, dịch vụ. Do vậy, việc khơi thông phải được thực hiện khẩn trương, trong thời gian sớm nhất có thể. Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin thêm UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ H.Điện Bàn đến Hội An diện tích 2.600 ha và giao cho một công ty thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - khai thác). Chỉ riêng kinh phí dành cho nạo vét đoạn sông qua Quảng Nam đã lên trên 700 tỉ đồng...

Về sự kiện này, ông Đào Tấn Bằng, Phó Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, cho biết TP đã có quy hoạch chi tiết và đang triển khai nạo vét 9 km đoạn chảy qua Đà Nẵng. Riêng việc đầu tư 2 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò ở Đà Nẵng cũng đã được phê duyệt với kinh phí lên trên 420 tỉ đồng. Trong khi đó, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định nếu điều kiện kinh tế ở Quảng Nam khó khăn, không thể triển khai dự án đúng tiến độ thì TP.Đà Nẵng sẽ giới thiệu một đơn vị đủ tiềm lực kinh tế đứng ra đầu tư, nạo vét đoạn sông Cổ Cò chảy qua Quảng Nam theo hình thức BT. Để thể hiện quyết tâm của hai địa phương trong việc mở lại tuyến đường thủy một thời hưng thịnh này, ông Lê Phước Thanh nhấn mạnh: "Nếu chúng ta chỉ nói mà không làm, không khơi thông được sông Cổ Cò thì chúng ta rất có lỗi với con cháu".

Nguyễn Hữu Trà

 

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây