Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Cộng tác viên bảo tồn di tích

Thời gian qua, để bảo tồn di tích trong khu phố cổ, TP.Hội An đã có nhiều cách làm hay, trong đó phải kể đến việc thành lập mạng lưới cộng tác viên bảo tồn di sản.
Lực lượng này đã cùng với các cơ quan, ban ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương bảo tồn di sản, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư.
http://baoquangnam.com.vn/dataimages/201301/original/images563149_trang5A_24.jpg

Tu bổ di tích trong khu phố cổ. Ảnh: Lê Hiền

Dù đã ở tuổi 70, ông Lê Minh Kim vẫn được bà con khối phố An Định (phường Minh An) tín nhiệm bầu làm khối trưởng vừa làm cộng tác viên bảo tồn di sản. Ông thường xuyên bám sát từng kiệt hẻm, từng di tích trong địa phận mình phụ trách, đến từng gia đình để gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tình hình di tích, nhất là vào thời điểm trước mùa mưa bão hoặc những khi trong khối phố có gia đình tu bổ di tích xuống cấp. Vì vậy những thông tin về di tích trong khối phố, ông nắm rõ như chuyện nhà mình. Đã 2 năm nay, kể từ khi trở thành cộng tác viên bảo tồn di sản, ông Kim đã trao đổi, chuyển tải nhiều thông tin quan trọng về tình hình di tích cũng như tâm tư nguyện vọng của các chủ di tích với chính quyền phường Minh An.

Tương tự, trong địa bàn mình phụ trách, mỗi ngày, những cộng tác viên bảo tồn di sản ở khu phố cổ luôn phải quan sát từng động thái của các chủ sở hữu khi tu bổ hoặc cho thuê, chuyển nhượng di tích. Trên thực tế, nhiều gia chủ đã xin phép cơ quan chức năng tu bổ, sửa chữa di tích theo thiết kế đã được thông qua nhưng khi thực hiện vẫn cơi nới, xây dựng các hạng mục bên trong di tích ít nhiều có sự sai lệch. Với hàng loạt di tích trong khu phố cổ, việc kiểm soát thường xuyên, thậm chí hàng ngày, hàng giờ của cấp chính quyền và ngành chức năng là rất khó khăn. Để có thể phát hiện kịp thời, nhanh chóng ngăn chặn, tránh những hậu quả đáng tiếc khi sự đã rồi, các cộng tác viên bảo tồn di tích phụ trách theo dõi địa bàn trở thành những người nắm bắt nguồn tin nhanh nhất, sát sườn nhất, kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng. Ông Lê Minh Kim cho hay, khi có trường hợp chủ di tích sửa chữa, phải phát hiện sớm để xem xét thử họ có giấy phép và thực hiện đúng hay không. Bởi các chủ di tích thường làm theo ý của họ, cho phép một, họ lại làm hai, làm ba. “Mỗi cộng tác viên như chúng tôi phụ trách 30 hộ nên ai sửa chữa, tu bổ chúng tôi biết liền. Nếu anh chở cát, chở cây cối, chở gạch tới trước nhà sẽ bị phát hiện ngay; chỉ cần điện thoại là cơ quan chức năng tới kiểm tra kiểm soát, tránh tình trạng họ làm lên tốn một mớ tiền rồi mới phát hiện, bắt họ đập dỡ xuống, vừa tốn kém của dân, vừa khó bảo vệ quần thể di tích” - ông Kim chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An đã được cho thuê hoặc chuyển nhượng chủ khác sở hữu kinh doanh buôn bán. Người mới đến dù rất trân trọng văn hóa, nếp sống bản địa nhưng khi xin phép sửa chữa tu bổ di tích thường sử dụng vật liệu mới không tương thích, trái quy định như xi măng, gạch men để láng, lót nền các công trình phụ hoặc cơi nới, xây dựng các hạng mục bên trong di tích… Nếu thiếu sự giám sát thường xuyên, di tích có thể sẽ bị biến dạng hoặc sai lệch kiến trúc. Ông Lê Minh Kim cho biết thêm về kinh nghiệm làm cộng tác viên bảo tồn di tích: “Một gia đình nào đó bán nhà, chủ sở hữu mới trước hết phải tuân thủ các quy định của địa phương. Sau khi mua nhà, thế nào họ cũng sửa nên phải giám sát chặt chẽ, theo dõi xem họ làm có đúng giấy phép không. Nếu họ làm sai phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để xử lý”.

Những năm gần đây, mỗi năm Hội An đều tổ chức gặp mặt các chủ di tích, các nhà nghiên cứu và các cộng tác viên bảo tồn di sản để lắng nghe “tiếng nói người trong cuộc”. Với trách nhiệm của mình, nhiều cộng tác viên đã trao đổi thắng thắn, chân tình, cởi mở với lãnh đạo thành phố về những thông tin quan trọng, thậm chí còn hiến kế cho thành phố những cách làm hay trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Ông Lê Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Minh An khẳng định: “Cộng tác viên bảo tồn di tích là “kênh thông tin” rất quan trọng, hữu ích, giúp địa phương kịp thời chấn chỉnh những hành vi tu bổ, sửa chữa di tích không đúng, không hợp kiến trúc của đô thị cổ. Đây cũng là một trong những đội ngũ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước và Luật Di sản đến với mọi người dân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đô thị cổ Hội An”.

Di sản văn hóa thế giới Hội An có còn nguyên vẹn hay không phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương, chính sách của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là cách ứng xử với di tích của từng người dân, trong đó có đóng góp không nhỏ của những cộng tác viên bảo tồn di sản. Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên đang là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và gìn giữ di tích tại phố cổ Hội An.

LÊ HIỀN

 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây