Bảo tồn và phát huy di sản Hội An: Tháo gỡ vướng mắc
- Thứ năm - 19/07/2012 11:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giữ gìn yếu tố nguyên gốc trong tôn tạo di tích. Ảnh:QUỐC HẢI
Phương châm bảo tồn khu phố cổ trước hết thuộc về trách nhiệm của từng chủ di tích, của các cấp chính quyền và nhân dân Hội An. Với phương châm này, di sản văn hóa đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích. Để thực hiện những định hướng cơ bản nêu trên, Hội An tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học; có hệ thống pháp lý, quy định về công tác quản lý; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về di sản đồng thời triển khai các dự án đầu tư tu bổ di tích kiến trúc. Bên cạnh, có chính sách hợp lý hỗ trợ kinh phí, vật liệu cũng như kỹ thuật truyền thống cho công tác trùng tu; phát triển bền vững, nhất là ngành du lịch - dịch vụ, trên cơ sở bảo tồn những giá trị, bản sắc văn hóa địa phương.
Những quan điểm đó đã được UNESCO đánh giá cao và nhiều thành phố di sản ở châu Á - Thái Bình Dương quan tâm học tập. “Thông thường, sau thời gian bảo tồn, xây dựng một trạng thái hài hòa giữa môi trường, sự phát triển xã hội và sự bùng phát của du lịch là điều trước tiên cần phải hướng đến. Đây là vấn đề mang tính dài hạn. Hội An đã bước qua giai đoạn nghiên cứu ban đầu thì phải nghĩ ngay đến việc nghiên cứu tổng thể, bảo tồn khu phố cổ mang tính tổng thể”, ông Nishimura Yasushi - Giám đốc Văn phòng Hợp tác bảo tồn di sản văn hóa Trung tâm Văn hóa châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Nara, Nhật Bản (ACCU Nara) nhận định.
Đầu tư tổng thể
Cho vay 100% kinh phí tu bổ di tích UBND tỉnh vừa cho phép các chủ sở hữu tập thể, tư nhân tại Hội An có nhà cổ bị hư hại (thuộc danh mục được phê duyệt năm 2004) vay 100% kinh phí tu bổ. Chủ di tích phải tu bổ sau khi trừ tiền Nhà nước hỗ trợ, thời hạn vay 3 năm, lãi suất 0%. Đây là cơ chế ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các chủ di tích mạnh dạn đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích trong khu phố cổ. Tổng kinh phí vay 7,7 tỷ đồng, thuộc đề án “Tạm ứng ngân sách của TP.Hội An cho các tập thể, cá nhân vay tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ từ năm 2012-2013”. |
Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025. Đây là điều kiện để quản lý, bảo tồn di sản căn cơ hơn, gắn với sự phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững.
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An bày tỏ: “Thực ra, 10 năm trước, Hội An đã quan tâm đến việc cứu nguy, giữ gìn từng di tích và xây dựng các đề án, các quy chế cho công tác này. Nhưng đến hôm nay, chúng ta cần phải quy hoạch, đầu tư mang tầm chiến lược hơn. Ngoài việc bảo vệ từng công trình di tích kiến trúc, chúng ta cần phải bảo vệ cả tầm xa của nó. Phải khơi thông các dòng chảy để giảm áp lực về môi trường và nguy cơ xói lở đối với khu phố cổ, bảo vệ cả cảnh quan không gian để sự đô thị hóa không tác động vào phố cổ”.
Trên thực tế, Hội An cần có không gian giãn, phát triển đô thị nhưng phải phát triển ở đâu, khu vực nào và phạm vi, khoảng cách với khu phố cổ ra sao cần phải tính đến. Hiện thành phố đang huy động nhiều nguồn không chỉ từ nguồn mục tiêu văn hóa, các chương trình mục tiêu khác của Chính phủ mà kể cả ngân sách, nguồn phát triển du lịch và xã hội hóa các nguồn lực trong xã hội để phân khai cụ thể quy hoạch tổng thể. Đề án cho chủ di tích vay 100% vốn để đầu tư tu bổ các di tích thuộc dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trong Khu di sản văn hóa thế giới Hội An” cũng đã được Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa lập. Theo đó, ngoài kinh phí hỗ trợ 40 - 75% tùy theo giá trị bảo tồn, chủ di tích sẽ được vay không lãi suất toàn bộ phần kinh phí mà họ phải đóng góp, thời hạn trả vốn không xác định với điều kiện chủ di tích không được bán, chuyển nhượng di tích trong vòng 10 năm kể từ khi vay vốn. Sau thời gian này, hợp đồng vay vốn sẽ chấm dứt và xem như chủ di tích được Nhà nước hỗ trợ toàn phần kinh phí tu bổ di tích. Ngược lại, chủ di tích phải hoàn trả vốn và lãi suất vay nếu bán hoặc chuyển nhượng di tích trước thời hạn 10 năm như đã nói trên. Có 14 di tích ở khu phố cổ được đưa vào đề án này với kinh phí đề nghị cho vay là 5,8 tỷ đồng.
Như vậy, từ việc thống nhất quan điểm bảo tồn, Hội An đang làm tất cả những gì có thể để tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới.
QUỐC HẢI