Thương hiệu dừa nước
- Thứ ba - 26/06/2012 11:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ bao đời, cây dừa nước luôn gắn bó với cuộc sống của người dân Cẩm Thanh. Nghề làm các sản phẩm từ dừa nước cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện toàn xã Cẩm Thanh có hàng chục thợ lành nghề và hàng trăm lao động đang “sống chết” với nghề này. Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái đang hút khách nên các khu nghỉ mát mang phong cách đồng quê, các khu biệt thự gần gũi với thiên nhiên, các nhà hàng, quán ăn mọc lên ngày càng nhiều. Chính vì thế nghề làm tre – dừa ở Cẩm Thanh đã “sống lại” và từng bước khẳng định thương hiệu. Thời gian gần đây, các cơ sở, các hộ gia đình làm nghề dừa nước mỗi ngày tiếp đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, đặt hàng. Không chỉ khách nội tỉnh mà còn ở Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Quảng Ngãi… “Sở dĩ người ta chuộng dừa nước Cẩm Thanh vì dừa ở đây có độ bền, đẹp. Dừa thường được đốn vào tháng giêng, tháng hai. Cọng dừa phải ngâm nước mặn phơi cho đến khi khô trắng mới đem dùng” – anh Lê Anh Phiên, một thợ thuộc loại “cứng tay” ở thôn 2 (Cẩm Thanh) lý giải.
Tàu dừa được xóc phơi cẩn thận trước khi lợp.
Thích ứng nhanh với thị trường, hiện nay đội ngũ thợ làm nghề ở Cẩm Thanh còn tổ chức hoạt động theo từng nhóm, đội. Ký được hợp đồng, cả đội tập hợp lại cùng làm các công đoạn: phên the, tấm lợp, tấm mành, nẹp, kèo, đòn tay… Xong đâu vào đấy, họ kéo nhau đến địa điểm công trình lợp xóc và lắp dựng hoàn chỉnh. Anh Lê Cho – thợ chính ở thôn 2 (Cẩm Thanh) cho biết: “Với giá 350 nghìn đồng/mét vuông, theo các chủ công trình thì chi phí xây dựng như vậy tính ra thấp hơn nhiều so với dùng vật liệu bê tông, cốt thép. Còn đám thợ chúng tôi, sau khi trừ chi phí, mỗi người cũng thu được từ 100 – 120 nghìn đồng. Quan trọng là chúng tôi không sợ thất nghiệp vì gần như có việc làm thường xuyên”.
Giữ “thương hiệu”
Thời gian qua, lợi dụng “thương hiệu” dừa nước Cẩm Thanh, nhiều thương lái, nhà thầu đã mua lại nguyên liệu tranh dừa từ nhiều nơi rồi đem về địa phương này tiêu thụ. Điều đáng nói, nhiều thương lái cứ mặc kệ chất lượng, chỉ biết làm cho xong để lấy tiền. Vì vậy uy tín tay nghề, mặt hàng tranh tre, dừa nước của Cẩm Thanh bị giảm sút, gây ảnh hưởng xấu đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động; đồng thời tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng làng nghề tranh tre, dừa nước truyền thống tại nơi này.
Theo ông Lê Thanh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, việc “đánh cắp thương hiệu” dừa nước Cẩm Thanh như hiện nay là rất đáng lo. Chính quyền Cẩm Thanh được sự hỗ trợ của TP. Hội An đang triển khai quy hoạch lại vùng dừa nước, tiến hành xây dựng khu trình nghề tổng hợp, đặc biệt là mô hình làm nhà lợp dừa để vừa tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương vừa phục vụ khách tham quan du lịch. Tại thôn 2, thôn 3 (Cẩm Thanh), 1,5ha đã được san ủi, cải tạo để xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng; 2 lớp dạy nghề phối hợp cùng Phòng Kinh tế TP. Hội An tổ chức với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng đã thu hút gần 50 học viên tham gia là bước đi đầu tiên nhằm giữ gìn và phát huy giá trị “thương hiệu” dừa nước Cẩm Thanh. Anh Lê Công Thắng (nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn, truyền nghề cho các học viên) cho biết: “Rất mừng là chỉ trong thời gian ngắn, mỗi khóa chỉ 60 ngày nhưng anh chị em đã nắm vững các kỹ thuật cơ bản để làm sản phẩm tranh tre, dừa nước. Họ tỏ ra thuần thục với các thao tác làm 2 sản phẩm mới là tấm mành và lồng đèn ống tre”.
Theo Báo Quảng Nam