Dừa nước Cẩm Thanh
- Thứ hai - 25/11/2013 20:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư xã Cẩm Thanh vừa dẫn chúng tôi đi len lỏi qua các thôn Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Vạn Lăng,… thăm rừng dừa bảy mẫu vừa quả quyết rằng đến nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào cho biết cây dừa nước "lạc” đến đất Cẩm Thanh nay từ khi nào.
Một góc rừng dừa Bảy Mẫu
Ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư xã Cẩm Thanh vừa dẫn chúng tôi đi len lỏi qua các thôn Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Vạn Lăng,… thăm rừng dừa bảy mẫu vừa quả quyết rằng đến nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào cho biết cây dừa nước "lạc” đến đất Cẩm Thanh nay từ khi nào. Nhưng cứ theo sự truyền miệng của người dân địa phương thì cây dừa nước có nguồn gốc xuất xứ từ Nam Bộ, đã ở lại Cẩm Thanh từ vài thế kỷ trước. Các cụ cao tuổi trong vùng kể lại, chính những thương lái buôn ghe bầu tại địa phương mang về trồng ở vùng ngập mặn.
Thời gian chảy trôi, cây dừa nước đã sinh trưởng phát triển tốt thích nghi với môi trường nước lợ chua, mặn của vùng đất Cẩm Thanh. Cũng theo ông Hùng, ban đầu dừa được một số người dân địa phương trồng từng cụm nhỏ dọc theo các kênh rạch. Sau này, người dân tiếp tục nhân rộng và dừa nước phát triển thành rừng dừa quanh năm xanh tốt. Hiện nay cây dừa nước được trồng phổ biến trên các con sông, lạch ở Cẩm Thanh, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, thôn Vạn Lăng mà người dân thường gọi là rừng dừa Bảy Mẫu. Diện tích rừng dừa ở Cẩm Thanh giờ ước khoảng hơn 60 ha.
Dừa nước không chỉ là cây "phủ kín” các sình lầy, mà từ lâu đã trở thành nguồn kinh tế chính cho người dân nơi đây. Đặc biệt, khi nhu cầu làm nhà từ cây dừa để phục vụ du lịch ngày càng nhiều, một số hộ dân Cẩm Thanh đã "sống khỏe” với cây dừa.
Mỗi năm cây dừa nước cho người Cẩm Thanh khai thác lá 2 lần vào 3 tháng đầu năm và tháng 8, 9 (theo âm lịch). Khi khai thác người ta đốn hết tất cả các tàu dừa già chừa lại các nhánh lá non để nuôi tàu dừa con phát triển. Bẹ lá và phiến lá là nguyên liệu chính để làm xóc tranh lợp nhà, làm phên, tấm mành, làm dù che mát… Bên cạnh đó, bẹ dừa còn tận dụng làm củi đốt. Quả dừa non dùng để ăn, dừa có vị ngọt nhẹ, mềm, ăn rất ngon có thể dùng chế biến món chè dừa. Ngoài ra theo Đông y, trái dừa nước có công dụng tương đương gần như dừa trồng trên cạn giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt.
Có thể nói rằng, loại cây này sử dụng gần như triệt để từ bẹ, thân lá, hoa, quả…Hiện trên địa bàn Cẩm Thanh có 40 cơ sở với 300 lao động làm nghề nhà tranh dừa nước, tạo thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Đỗ Hạng, ở thôn Thanh Tam Đông là hộ gia đình có tới 1 ha diện tích mặt nước trồng dừa. Ông cho biết: "Với định kỳ thu hoạch 2 lần trong năm, chúng tôi sản xuất được hàng nghìn nệp tranh dừa. Nếu nguồn nguyên liệu đó được dùng hết để làm nhà tranh, tre dừa, mỗi năm, chúng tôi có thể thu được hàng trăm triệu đồng”. Ngoài ra, các hộ gia đình ông Võ Tất Thắng, Trần Đình Xê, Lê Công Thắng,… cũng đã thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề làm nhà tranh tre, dừa nước.
Phơi lá dừa nước
Nhưng cái lợi trước mắt đã khiến nhiều hộ người dân quá tập trung khai thác rừng dừa, rồi đào ao nuôi tôm mà quên việc bảo tồn, khiến diện tích rừng dừa nước ở Cẩm Thanh đã bị suy giảm. Nhờ dự án "Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững” với nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng do Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ cùng vốn đối ứng của UBND TP. Hội An, nhiều diện tích dừa nước đã được khôi phục và mở rộng từ sự cần cù và năng động của người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, đây là việc mà địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện, xem là một trong những vấn đề cốt lõi để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã, góp phần tạo nên không gian xanh cho đô thị Hội An. "Từ năm 2010 đến nay, địa phương đã tổ chức trồng mới khoảng 10ha dừa nước, lập hồ sơ đề nghị và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu làng nghề tre dừa Cẩm Thanh vào đầu năm 2013. Theo đó, xã xây dựng và ban hành quy trình cụ thể về việc khai thác và chế biến các sản phẩm từ cây dừa nước phải tuân thủ quy trình cụ thể từ khâu khai thác đến cộng đoàn chế biến, tạo sản phẩm, nếu thực hiện đúng quy trình này thì sẽ giảm thiểu được tình trạng khai thác quá mức dừa nước như hiện nay; đồng thời, Thành phố đã đầu tư xây dựng xong Khu trung tâm làng nghề tre dừa tại Cẩm Thanh với tổng kinh phí đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, hiện tại địa phương đang vận động các hộ dân vào sản xuất với mục tiêu vừa phát triển làng nghề, vừa tạo dựng sản phẩm để phục vụ cho hoạt động du lịch”, ông Hùng cho biết thêm.
Cẩm Thanh một xã vùng ven biển, có tổng diện tích tự nhiên 895,43ha, chia thành 8 thôn. Bốn bề là sông nước, phía Đông giáp với phường Cửa Đại bởi sông Ba Chươm, phía Tây giáp phường Cẩm Châu và phường Cẩm Nam bởi sông Cổ Cò, phía Nam giáp huyện Duy Xuyên bởi hạ lưu sông Thu Bồn, Bắc giáp phường Cẩm An. Là vùng đất nằm giữa nơi hợp lưu của hạ nguồn sông Thu Bồn, Đế Võng, Trường Giang. Vùng nước này thường xuyên nhiễm mặn, đây là điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển. Đặc biệt, một loại cây dừa nước sinh sôi nảy nở thành những rừng dừa dọc khắp các bờ kênh rạch, tạo nên màu xanh mát đặc trưng nơi đây. |
Hoàng Thu