Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Xe đạp trong lòng phố Hội

Hội An có bán kính di chuyển theo các hướng không quá 10 km, từ đường ven biển đến trung tâm phố cổ nối bãi tắm An Bàng, Cửa Đại tạo thành tam giác, mỗi cạnh cũng chỉ hơn 5km, cự ly ngắn làm cho tối ưu hóa sự di chuyển bằng xe đạp.

Xe đạp ở Hội An

Hình ảnh quen thuộc tại các thành phố lớn Việt Nam bây giờ là ô tô xe máy. Xe đạp vẫn còn nhưng rất nhiều thì hẳn là ở Hội An. Phố Cổ không cho xe máy đi vào từ sáng đến trưa, từ đầu giờ chiều đến gần tối... nên xe đạp được sử dụng rộng rãi, gần đây có thêm xe đạp điện.
http://www.hoianworldheritage.org.vn/uploads/news/nhung-chiec-xe-dap-cu-tai-hoi-an.jpg
Những chiếc xe đạp cũ tại Hội An

Khác với xe đạp mới thực dụng và vô cảm, nhiều xe đạp cũ trông rất điệu đàng, lưu dấu nhiều ký ức mà vẫn cặm cụi lang thang trên phố. Có xe kiểu dáng từ thời 1975: xe nữ hai gióng bé uốn cong nhái kiểu Peugeot- các mẹ các chị dựng chỏng trơ ngoài chợ không cần khóa. Xe nam ống thẳng ngày xưa đèo trẻ con phải ngồi lệch một phía, các ông già 60-70 tuổi vẫn cần mẫn đạp ra phố mua tờ báo hay kiếm bạn tâm sự bên ly cà phê vỉa hè. Cái xe đạp thồ Phượng Hoàng một thời tung hoành trên các nẻo đường chinh chiến, nay thì thồ cá, chở rau.

Hội An vẫn cất giữ nhiều chiếc xe đạp rất đẹp. Có cái vẫn còn biển số đăng ký “HA 0765”, lúc rảnh chủ nhân đạp xe đến gốc cây đa đầu chợ, nói vài ba câu chuyện với người hàng phố rồi về. Xe đạp ngày xưa Hội An gọi là “xe máy”, vì có xích kéo từ vành đĩa sang vành líp, guồng  quay chuyền động như máy. Có chàng phải xa quê lên tít trên Đà Lạt, mấy năm cầy cuốc mới đủ tiền tậu xe, cái ngày đạp xe về phố Hội, chàng hãnh diện như thầy khóa “vinh quy bái tổ”.

Quán cà phê Lạc Viên trong ngõ sâu, ai cũng thấy cái xe đã lâu không dùng nhưng trông vẫn còn ngon lắm. Xe hiệu Mercier, toàn bằng duy-ra, hợp kim nhôm nhẹ bẫng mà cứng kinh khủng, bao năm rồi nhưng có tí xi là sáng loáng ngay. Cái xe là tài sản lớn của ông công chức thời Tây đấy, đạp tuốt từ Huế vào Hội An, đi miết từ thập kỷ 40 sang tới thập kỷ 90, nửa thế kỷ ròng rã, chiếc xe đã chở mấy đời con cháu, chẳng quản mưa nắng, đạn bom mà rong ruổi khắp nẻo gần xa, nay treo lên giá kể cũng mấy chục năm rồi.

Đạp xe dạo chơi Hội An

Đi chơi Hội An mà đi bằng xe đạp mới thú, vì phố ngắn tẹo teo, nhà nối nhà mỗi cái một vẻ, đạp chầm chậm mà ngắm mới thấy từng ngôi nhà cất lên tiếng nói riêng tư ra sao, nhịp mái nhấp nhô biến ảo thế nào thì đi xe đạp mới biết... ấy là nói cái cảm nhận của du khách.
http://www.hoianworldheritage.org.vn/uploads/news/phong-canh-lang-que-ben-ria-pho-co.jpg
Phong cảnh làng quê bên rìa phố cổ

Còn người Hội An đi xe đạp là để còn vừa đi xe vừa ời ời chào hỏi với nhau, gần thì vỗ vai vít cổ, ghếch chân chống xuống đất giữa đường mà bô bô trò chuyện, xa thì giơ tay vẫy mũ... cảnh ấy mà diễn trên xe máy thì hẳn là không ổn.

Gần đây du khách hay đi xe đạp từ trong phố ra các làng ven Hội An thăm thú. Nhiều khách sạn có xe đạp cho du khách thuê, xoàng nhất thì làm một cua từ trong phố ra bãi biển Cửa Đại hay An Bàng cũng tiện. Vượt  qua  chặng 5 cây số, hai bên đồng lúa ngát thơm là tới nơi sóng nước trong vắt, nhảy ùm xuống bơi lội một chập rồi đạp xe về khoan khoái.

Có sức mà xuyên qua làng quê thì thú vị hơn nhiều. Nhậy bén với nhu cầu ấy, Hội An đã có vài  doanh nghiệp khai thác tour du lịch xe đạp. Có anh làm tuyến du lịch xe đạp vượt sông Hoài mà Cẩm Kim, vùng quê biệt lập bên kia phố Hội – nơi vẫn còn mơ màng, nguyên sơ như chưa hề biết đến con lốc thương mại, đô thị hóa đã lan tràn nơi nơi. Có anh lập tour kết nối xe đạp với thuyền nhỏ luồn lách qua rừng dừa nước âm u bí hiểm chui ra để chơi thuyền thúng ồn ào...

Có anh tinh tế hơn: lồng cuộc xe đạp xe tao nhã với những câu chuyện về văn hóa làng quê lúa nước, những đình chùa bia mộ cổ xưa hay về thăm làng rau diễn cảnh nông nghiệp, thầy đồ và những câu hát bài chòi rổn rảng.

 Đi xe đạp ra bên ngoài phố cổ, bạn có thể thấy phong cảnh miền quê Hội An như thế này.   

Xe đạp và hình ảnh mới của Hội An sinh thái

Cho dù Hội An là điểm sáng du lịch, thu hút tới 1,5 triệu du khách mỗi năm thì với dân số 125.000 người hàng này sinh sống, có cộng thêm 5.000 du khách mỗi ngày thì Hội An vẫn là của người Hội An… Như vậy, du  lịch xe đạp có phát triển mấy thì nhu cầu đi xe đạp của người Hội An vẫn là cần ưu tiên hơn cả.

Xét về mặt quy mô, TP. Hội An có bán kính di chuyển theo các hướng không quá 10 km, đặc biệt từ đường ven biển đến trung tâm phố cổ nối bãi tắm An Bàng, Cửa Đại tạo thành tam giác, mỗi cạnh cũng chỉ hơn 5km, cự ly ngắn làm cho tối ưu hóa sự di chuyển bằng xe đạp.
 
 
http://www.hoianworldheritage.org.vn/uploads/news/phongcanhlangquebenriaphoco.jpg
 
Tuyến du lịch sinh thái xuyên qua các làng quê bên ngoài phố cổ. Vị trí trường học (màu cam) và chợ dân sinh (màu đỏ) là những điểm kết nối để lập tuyến đường đi xe đạp
Có đến 50% công dân Hội An là phụ nữ và trẻ em đi lại trong phố hàng ngày có thể chọn xe đạp là phương tiện thân thiện với chi phí thấp vì họ chỉ đến các chợ nội thị và các trường học được bố trí khá tập trung quanh phố.

Hội An nối với Đà Nẵng và Tam kỳ bằng đường bộ với 2 chiều đi lại, nằm ngoài các trục giao thông liên tỉnh nên giảm thiểu xung đột với các xe tải chạy nhanh, trọng tải lớn… Hội An là thành phố có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp.

Nhưng để xe đạp trở thành phương tiện giao thông phổ biến thì cần một số can thiệp chẳng tốn mấy tiền bạc mà cần nhiều công sức: Kẻ vạch ưu tiên tuyến xe đạp hai chiều khi xe đạp đi chung với với ô tô xe máy; Có nhiều bảng chỉ dẫn tuyến đường dành cho xe đạp; Tân trang mặt đường đất, cầu nhẹ để có thể di chuyển xuyên qua các cánh đồng và kênh rạch, tạo nên bến bãi thuận tiện để xe đạp và đi thuyền liên tuyến di chuyển thuận lợi; Có nhiều dịch vụ sửa chữa, bãi đỗ cho xe đạp để khi chuyển đổi sang ô tô, xe máy dễ dàng; Thiết kế mạng lưới đi lại an toàn cho trẻ em đến trường học, các bà, các mẹ, các chị đến nơi chợ búa.

Chỉ cần vạch tuyến ưu tiên đi xe đạp, chi phí nhỏ nhưng tạo sự an toàn lớn. Tuyến du lịch xe đạp sinh thái xuyên qua các làng quê bên ngoài phố cổ Hội An. Trường học (mầu cam) và chợ dân sinh (mầu đỏ) là những điểm kết nối để lập tuyến đường đi xe đạp an toàn.

Trong cuộc “đối thoại với thành phố" do UN Habitat, Đại học Portland (Hoa kỳ) và Thành phố Hội An đồng tổ chức tháng 11/2011, tập hợp các sáng kiến để Hội An trở thành thành phố sinh thái đầu tiên của Việt Nam, đã có một đề xuất sẽ có 100.000 xe đạp ở Hội An… Đây là con số thật ấn tượng.

Một hoạt động thực tiễn hơn: mạng lưới các Thành phố không khói xe đã đặt vấn đề với Thành phố tổ chức ngày “Car free days – Ngày không khói xe” tại Hội An  vào ngày 9/9/2012. Hy vọng mai này, nhiều chiếc xe đạp yêu quý của Hội An lại có cơ hội lăn bánh vì tương lai chứ không phải treo lên khung nhà vì những kỷ niệm của quá khứ...

Tác giả bài viết: KTS Trần Huy Ánh

Nguồn tin: Báo dân trí

 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây