Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Tiếp cận và bảo tồn di sản bài chòi (bài 1)

Bài chòi là một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, một sản phẩm tinh thần độc đáo của người dân vùng duyên hải miền Trung. Để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này, nhiều vấn đề đang được đặt ra...
http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t7/3/trang4a-4.jpg
Bài chòi luôn là trò chơi dân gian thu hút du khách ở Hội An.Ảnh: QUANG VIỆT

BÀI 1: ĐẶC SẮC BÀI CHÒI

Từ trò chơi dân gian bình dị cho đến loại hình nghệ thuật đặc sắc, bài chòi là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của người dân xứ Quảng. 

Trong sâu thẳm bài chòi

Đến nay, câu hỏi về không gian và thời gian ra đời của bài chòi vẫn là sự thách đố đối với các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa. Chỉ biết rằng, ở vùng nông thôn Trung Bộ, từ lâu lắm đã tồn tại loại hình diễn xướng dân gian này. Và đến nay, những câu hô hát của nhiều anh hiệu, chị hiệu vẫn đang khiến không ít người mê đắm. Trước kia, ngay từ những ngày cuối tháng chạp, người dân thôn quê đã rộn rã cùng nhau chuẩn bị bàn, ghế, khay trà, bình rượu, đóng góp tranh tre dựng chòi... để phục vụ cho “Hội bài chòi ngày Tết”. Lễ hội truyền thống và đặc biệt là những trò chơi dân gian ngày tết đã tạo nên những độc đáo và đặc sắc riêng cho mỗi làng quê của dải đất ven biển miền Trung. Trong các chòi lá, người chơi dùng lá bài có hình vẽ tượng trưng sinh động gõ nhịp theo lời hô của anh hiệu hay chị hiệu. Với người chơi, chuyện được thua không thú vị bằng việc thưởng thức những lời ứng đối hay những câu hô hát bằng thơ nhịp nhàng của người hô. Bởi vậy, những câu hô dân dã mà đem lại tiếng cười rộn rã trong hội bài chòi có sức thu hút rất lớn, như: “Lấy chồng từ thuở mười ba/ Chồng chê em bé không nằm với em/ Đến khi mười tám, đôi mươi/ Em nằm dưới đất chồng lôi lên giường/ Lên giường anh nói anh thương/ Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương.../ Anh thương chi hung rứa/ Cho bốn cái cẳng giường nó rung rinh... Tứ cẳng huớ Tứ cẳng (một trong 32 con bài của trò chơi bài chòi)”. Nhiều cụ ông, cụ bà cho hay, điều thú vị của trò chơi bài chòi là khi nghe anh hiệu (hoặc chị hiệu) hô, người chơi vừa gõ nhịp theo vừa đoán già đoán non tên con bài sắp được xướng qua ca từ các câu hô. Càng hồi hộp hơn khi con bài mình đoán đang nắm trong tay...

Khi công việc đồng áng được gác lại, khi cây nêu đã được dựng lên trước ngõ, cùng với từng hồi trống thúc giục báo hiệu rộn rã ở sân đình, sân chùa, sân chợ là mọi người nô nức kéo đến để cùng đắm mình trong thú vui tao nhã. Hẳn nhiên, ở đó có thơ, có nhạc, có hò, có hát... Trong hơi xuân như ngưng đọng, cùng với trò chơi mang đậm tính tập thể dân gian ấy, khán giả có thể may mắn được hóa thân vào những câu thai, hay thay anh hiệu hô những con bài, hoặc cũng có thể giành “địa vị” của một nhạc công mà gióng trống hòa vào hội. Một ý vị khác, các câu hô hát sử dụng trong hội bài chòi ngày xuân thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình cha con bền chặt, tình vợ chồng thủy chung. Những ý niệm phê phán tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời cũng sẽ nhân dịp này được “tuyên truyền” và dễ đi vào lòng người…

Với hình thức vui chơi sinh động, bài chòi không chỉ có ý nghĩa giải trí tao nhã đầu xuân mà chính là sân khấu trình diễn các làn điệu dân ca đặc trưng của làng quê. Với tính cộng đồng được đề cao, mọi tầng lớp nhân dân, từ người già cho đến con trẻ, từ nông dân cho đến tiểu thương… ai cũng có thể là chủ thể của loại hình sinh hoạt văn hóa đang diễn ra.

Vinh danh và lan tỏa

Nếu như trước đây bài chòi là trò chơi dân gian chỉ “đến hẹn” vào dịp tết thì thời gian gần đây, sinh hoạt này đã trở nên đều đặn hơn. Riêng tại TP. Hội An, ngay khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhờ được tổ chức bài bản và phù hợp với không gian kiến trúc phố cổ, bài chòi trở thành sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng một lần vào những đêm rằm. Sau khi trở thành “thói quen” thưởng thức của du khách, trò chơi bài chòi được tổ chức mỗi độ cuối tuần (với con bài được cách điệu to, bắt mắt hơn;  lời hô cũng gần với nhịp sống đương đại hơn) và hôm nay đã trở thành “thực đơn” tinh thần hằng đêm của du khách trong và ngoài nước. Hiện tại, TP.Đà Nẵng đã thành lập Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang), thế nhưng nhiều người dân ở đô thị này vẫn chiều chiều đón xe buýt vào Hội An để được hòa mình vào hội hô hát bài chòi phố cổ. Có lẽ, bên dòng sông Hoài thơ mộng, bên những góc phố trầm mặc với ánh đèn lồng lung linh huyền ảo, trò chơi này mới thực sự trở thành “hồn cốt”, gần gũi với đời sống hơn.

“Cái gì làm nên “diện mạo” tinh thần của cộng đồng thì ắt hẳn cái đó sẽ trường tồn với thời gian. Bài chòi đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ thì không dễ gì bị lãng quên. Huống gì, được vun đắp bởi bao kỳ công thì hình thức hô hát này càng có điều kiện để lan tỏa trong đời sống” - thầy giáo về hưu Nguyễn Thanh Toàn, người hằng đêm vẫn gắn bó với hội hô hát bài chòi phố Hội, cho biết. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP. Hội An nói: “Thường, những gì quá quen thuộc sẽ dễ trở nên nhàm chán. Từ mỗi tháng một lần đến mỗi tuần một lần rồi thường xuyên hằng đêm, tại sao bài chòi không bị nhàm chán trong cả “rừng” thú tiêu dao nơi phố Hội? Câu trả lời chỉ có thể là vì sức lôi cuốn nên bài chòi đã trở thành “nếp” sinh hoạt với mật độ dày như vậy”.

Từ 4 làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò Quảng, qua quá trình tiếp biến văn hóa với kịch, tuồng… hô hát bài chòi đã được “nâng cấp” thành ca kịch bài chòi. Tại Quảng Nam, hằng năm, Đoàn dân ca kịch Quảng Nam đã vận dụng sáng tạo thêm các điệu hát ru, điệu lý, hò khoan với nhiều tiết tấu khác nhau để dàn dựng nên các vở ca kịch bài chòi làm nức lòng khán giả gần xa. Những vở diễn như “Những đứa con oan nghiệt”, “Nỗi đau tình mẹ”… trong thời gian gần đây vẫn còn khiến nhiều người xốn xang khi nhắc lại. Ông Huỳnh Ngọc Lệ - Trưởng đoàn Dân ca kịch Quảng Nam cho hay: “Trong xu hướng sân khấu truyền thống ngày một mất đi ưu thế so với các loại hình giải trí hiện đại, chúng tôi đã cố công dàn dựng những vở kịch gần gũi hơn với sinh hoạt thường ngày. Với các chủ đề, nội dung, tư tưởng rõ ràng, phản ánh sâu sắc lịch sử, đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới..., hy vọng các vở diễn của chúng tôi đem đến sự tươi mới trong cảm nhận của công chúng yêu nghệ thuật”.

NGUYỄN QUANG VIỆT
 

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây