Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Nguyễn Bội Liên người trông cậy vào mình

Nghĩ về cụ Nguyễn Bội Liên (1911-1996) trong tâm trí kẻ hậu học như tôi luôn nhớ những buổi chiều nắng xế của phố cũ hè xưa, nắng rực lên trong góc gian nhà nhỏ quay mặt về hướng nam trên đường Nguyễn Thái Học (Hội An) soi tỏ chiếc bàn con mòn xước mặt gỗ được chủ nhân che bằng tấm nhựa trong, bọc dây thun.
Nghĩ về cụ Nguyễn Bội Liên (1911-1996) trong tâm trí kẻ hậu học như tôi luôn nhớ  những buổi chiều nắng xế của phố cũ hè xưa, nắng rực lên trong  góc gian nhà nhỏ quay mặt về hướng nam trên đường Nguyễn Thái Học (Hội An)  soi tỏ chiếc bàn con mòn xước mặt gỗ được chủ nhân che bằng tấm nhựa trong, bọc dây thun. Cụ ngồi đó đọc và viết, có khách thì tiếp, khi thì có trà ngon, trà Thái Nguyên được tặng, khi thì trà gói - thứ trà bán ở cửa hàng thời bao cấp bọc trong gói giấy đục, nước pha xong như nước ruộng nhiễm phèn, cụ cười “trà làm tủi lòng ấm chén”. Lúc có chai rượu ngon, cụ cao hứng chuyện văn thơ, khi thì “thỉnh” cây đàn nguyệt dạo một khúc Lưu thủy, một đoạn Kim tiền, thi thoảng đôi mắt nâu mờ chợt lung linh xa vắng “tóc mai sợi vắn sợi dài/lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”...
http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t1/17/lien.jpg

Nhà “Hội An học” Nguyễn Bội Liên. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Sinh năm Tân Hợi, 1911, tại xóm Hồng Triều, tục gọi Trà Nhiêu, nay thuộc Duy Nghĩa, Duy Xuyên - nơi bình sinh cụ mô tả: “Tên Hồng Triều có từ ngày Cách mạng Mùa thu 1945. Đó là một ấp thị nằm trên năm nhánh sông Thu Bồn (từ Câu Lâu tách ra) của 2 xã cũ Hội Sơn và Nghĩa Lệ (địa bạ chung). Ở đây phong cảnh đẹp… Từ ngày xa xưa, đây là một vạn buôn rất thịnh vượng. Trên bờ sông phố xá trù mật, có cầu tàu, có hãng buôn của Hoa kiều mà nền nhà móng nhà vẫn còn vết tích đến nay, tương truyền đây là nền móng của tiệm khách trú hiệu Quảng An ngày xưa. Còn dưới sông thì có ghe Tam Phạn và ghe Bản Địa từ Gia Định miền Nam, ngoài Bắc thì có nốt, mành từ Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình vào ra theo mùa gió, buôn cau khô, đường, chè, quế… (Hải Phố, tiền thân của Hội An ngày nay). 

Tuổi thơ của cụ Bội Liên cũng là khởi đầu một giềng mối văn hóa khá đặc biệt, có những nét tương đồng với “thế hệ vàng” - những người hấp thu ba nguồn mạch văn hóa Việt - Hán - Pháp, đem sở học tận hiến cho quốc dân, đồng bào thời đó. Theo lời cụ kể, vốn liếng chữ Hán cụ có được là nhờ người anh ruột, cụ Cửu Uyển, người từng đỗ tú tài Hán. Hồi năm, sáu tuổi, đã đọc được sách, sau đó Nguyễn Bội Liên học Tiểu học Pháp -Việt tại Hội An rồi ra Huế học trường Dòng Pellerin... Cũng theo cụ Liên, dẫu gia đình không phải giáo dân Công giáo, việc theo học Pellerin chỉ là việc nhà trường không thu học phí, học giỏi còn được học bổng..., là lựa chọn phù hợp với “học trò trong Quảng” con nhà nghèo. Cụ Liên còn nhớ anh Trí - sau là nhà thơ Hàn Mặc Tử - học trên chừng ba lớp, vẫn thường gặp trên đường đến trường, thỉnh thoảng được nghe anh ngâm ngợi vài câu... Mãi sau này khi nghe  cụ Phan Ngọc - vị giáo sư thông thạo nhiều ngoại ngữ,  khiêm tốn nói rằng “nhờ hồi nhỏ may mắn được học Pellerin, nhất là môn Latin...”, tôi mới hiểu vì lẽ gì mà mấy chục năm sau một nữ du khách người Pháp sau khi trò chuyện với cụ Liên hỏi cụ từng sống ở Paris bao năm mà âm giọng như một cư dân Paris thực thụ và càng ngạc nhiên hơn khi cụ cười mà nói rằng “tôi chưa một lần đến Pháp, giọng tôi có lẽ do thầy tôi ở trường Dòng chỉ giáo”... Thời đi học ở Huế được cụ kể: “... Trước thập niên 1920 - 1930 có nhà ở Huế mà học sinh chúng tôi gọi là nhà Hội Quảng Nam để học trò ở trọ. Nhà nằm góc đường lên Nam Giao và bờ sông, lên đầu cầu phía nam Bến Ngự. Học sinh lớn nhỏ gần cả trăm, do những anh lớn học các lớp trên, (tam, tứ niên ở Quốc học, trường Dòng) làm ban quản trị và điều khiển. Kỷ luật nghiêm minh, giờ học, giờ chơi, giờ nghỉ phải theo quy định. Đây đều là học sinh trong Quảng ra ở trọ vừa là tiết kiệm được tiền ăn vừa theo khuôn khổ khỏi chểnh mảng việc ăn học...” (Lễ truy điệu cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh tại Huế ở nhà Hội Quảng Nam - Tạp chí Đất Quảng - số đặc biệt về Phan Châu Trinh, tháng 9/10-1992). Dự lễ truy điệu cụ Phan Tây Hồ, Nguyễn Bội Liên bấy giờ đứng sau các anh lớn, mặc áo dài đen, quần vải trắng, mang guốc gỗ, được nghe cụ Phan Bội Châu đọc văn tế, làm lễ tam khấn đầu, nửa thế kỷ sau còn nhớ tên mấy anh lớn như Lê Nhiếp, Lương Khâm, Đỗ Quỳ... Tang lễ cụ Phan thực sự là vụ nổ lớn, vụ “Big Bang” của lòng yêu nước (chữ của nhà văn Nguyên Ngọc) được cụ Liên nhận định - cùng với lễ tang, tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng là “tiếng chuông cảnh tỉnh, hồi trống phá mê mà mọi lòng đều trỗi dậy như ánh nắng rực trời mùa đông”. 

Nguyễn Bội Liên thuộc lớp người yêu nước, học tiếng Pháp, đọc sách Pháp nhưng không dễ u mê những lời răn dạy kiểu “tổ tiên ta có gốc Gô-loa”. Học ở Huế xong, Nguyễn Bội Liên về quê chẳng màng làm “ông cò, ông ký” mà theo cha, chú, anh, em đi buôn bán bằng ghe bầu từ bến Trung Phường, Hội An xuôi Nam ngược Bắc. Câu ca “Ghe bầu trở lái về đông/ Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi” tận đất phương Nam phần nào nói lên sự thịnh vượng của nghề buôn bằng ghe bầu cũng như “sự hấp dẫn” (chữ của cụ Nguyễn Văn Xuân) của các chàng trai đất Quảng. Cụ Liên mê văn Nguyễn Tuân, mê những chuyến đi, sự xê dịch cũng vì lẽ ấy, cụ lấy làm tâm đắc câu hò “tán tỉnh” của anh bạn ghe bầu đồng hương với người đẹp Nghệ An: “Em để trở (để tang) cho ai thì xé cho anh một nửa/ Còn em để trở cho chồng thì nhen lửa đốt luôn”. Bài nghiên cứu “Ghe bầu xứ Quảng” - bản in đầu tiên trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành số 1/1981 - sau này là báo cáo khoa học trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An năm 1990 (cùng với Trần Văn An, Nguyễn Văn Phi) hẳn là những trải nghiệm “điền dã” của cụ từ bao nhiêu năm trước. Cụ có lối miêu tả hết sức tỉ mỉ, đồng thời có cái nhìn so sánh “loại hình học” cụ thể kiểu “nói có sách, mách có chứng” cốt phân biệt dạng thức thuyền giữa bắc và nam đèo Hải Vân. Cụ tham cứu tư liệu thực địa và cả tư liệu thành văn của I. B. Piétre, tạp chí  Đông Dương...

http://baoquangnam.com.vn/images/2012/t1/17/lien1.jpg

Chợ phiên Hội An đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.

 

Cách mạng Tháng Tám 1945 và thời kỳ kháng Pháp, cụ Liên được bầu Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Duy Nghĩa. Sau 1954, cụ như người ẩn cư, đeo đuổi việc dạy học và dịch thuật, nghiên cứu. Năm 1974, cụ được Đại học Quảng Đà mới thành lập mời dạy lớp Hán - Nôm... Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, cụ được Ty Văn hóa thông tin mời tham gia tổ nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành, nhận tiêu chuẩn 15kg gạo cùng ít tem phiếu cá nhân hằng tháng… Từ mối nhân duyên ấy, sau khi tập kỷ yếu nghiên cứu không định kỳ dừng xuất bản (1984), cụ chọn việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hội An là ưu tiên và đã có những công trình tiêu biểu như “Gió trăng cố quận” (tập thơ cổ về Hội An, sưu tầm và dịch - NXB Đà Nẵng, 1996), “Phố người Đường và việc buôn bán ở Hội An thế kỷ XVII - XVIII - Trần Kinh Hòa - Tân Á học báo, phần I quyển 3, bản thảo dịch), hàng chục bài báo về địa - lịch sử Hội An, về liễn đối của các danh nhân, chí sĩ Quảng Nam, về hát bội, về hoạt động và sản phẩm các làng nghề truyền thống... Ngoài ra cụ đã dịch chừng dăm chục truyện Liêu trai chí dị, sáng tác một vở tuồng về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, nhiều thơ thù tạc luật Đường, nhiều câu đối hay... Cụ Nguyễn Bội Liên nổi tiếng tài hoa với bản dịch bài phú Vị tống Thanh nhơn suy phố phú (Bài phú làm giúp cho người đưa người Thanh về quê) tương truyền tác giả là nhà soạn tuồng quê Cẩm Phô - Phan Xuân Chỉ. Từ những công trình chuyên sâu về Hội An, cụ Liên được nhiều người xem là nhà “Hội An học”.

Cũng như nhiều danh sĩ đất Quảng thời cận, hiện đại như Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký, Khương Hữu Dụng, Lê Trí Viễn...thành tựu nghiên cứu, dịch thuật của cụ Liên phần lớn do tự học, tự đào luyện không ngừng nghỉ, thấm nhuần đạo học. Nhiều câu chuyện học thuật sơ đẳng của ngành văn hóa học mà giờ đây lớp trẻ mới thấy chạnh lòng, thấy trống vắng, thấy tiếc nhớ khôn khuây như chuyện “đọc” văn bia, gặp điển lệ như bốn chữ “Mạnh Thu cốc nhật” hỏi cụ, cụ thong thả giảng cho nghe, rằng người xưa định một mùa có 3 tháng, tháng đầu gọi là Mạnh, tháng giữa gọi là Trọng, tháng cuối gọi là Quý. Trong một tháng chia làm 3 tuần. Tuần thứ nhất (ngày 1 đến 10) gọi là thượng nguyên, tuần thứ hai (11 đến 20) là trung kiết, tuần thứ ba (21 đến 30) gọi là hạ cốc. Như vậy “Mạnh Thu cốc nhật” là một ngày tốt trong tuần hạ cốc của tháng Mạnh Thu (tháng bảy)...

Chưa bao giờ ngành khoa học xã hội nhân văn khó tuyển sinh như ở thời điểm này, ngoài những lý do sâu xa về kinh tế xã hội còn là việc con người dần xao nhãng những giá trị văn hóa truyền thống từng làm nên “diện mạo tinh thần” của làng quê, của phố thị, của một vùng đất. Một thế hệ vàng chuyên sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Quảng Nam đã “một đi không trở lại” chăng?

PHÙNG TẤN ĐÔNG


 

 

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây