Có một kho mộc bản vô giá ở Hội An
- Thứ năm - 11/10/2012 16:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghệ thuật khắc gỗ tinh xảo còn lưu giữ được tại các chùa cổ Hội An. Ảnh: Q.H.
Trên 200 mộc bản cổ
Tại chùa Vạn Đức (xây dựng từ thế kỷ 17) nằm bên sông Cổ Cò, thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà (Hội An), hiện còn 115 mộc bản (bản in cổ khắc gỗ các loại kinh Phật).
“Các mộc bản có 3 độ dài khác nhau. Có 9 bản dài từ 70cm đến 78,5cm, còn lại 85 bản dài từ 44,5cm-50 cm; 23 bản từ 56cm-65 cm. Trong đó có 106 bản in 2 mặt. Hầu hết đều được khắc chữ Hán chân phương, sắc nét, một số bản có kèm cả hình Hộ pháp, Địa tạng, Chư Phật hải hội…” - ông Trần Văn An - Phó GĐ Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) cho biết.
Theo lời kể của các tu sĩ, trước đây, nhiều mộc bản đã từng bị đốt hủy do mối mọt phá hoại hư hỏng hoàn toàn. Hầu hết đều được làm bằng gỗ mứt và gỗ thị, bị nứt ở hai đầu, dọc theo sớ gỗ. Vùng biên bao quanh cũng bị mục hoặc thoái hoá nặng ở một đầu.
Còn tại hai ngôi chùa Phước Lâm và Chúc Thánh (xã Cẩm Hà và phường Tân An, nằm cách nhau khoảng 500 m cũng lưu giữ gần 100 mộc bản nhiều kích cỡ, từ 26cm đến 138cm, rộng từ 8cm đến 54cm. Trong đó có 51 bản in hai mặt.
Loại chữ khắc hầu hết là chữ Hán, riêng 12 bản in các loại bùa bằng chữ Phạn kèm theo hình minh họa... Các đường biên xung quanh mộc bản ở đây không bị mục nhưng tình trạng hư, mòn chữ do ẩm ướt và các loại gặm nhấm phá hoại lại nhiều hơn ở chùa Vạn Đức.
Vài bản kích thước lớn đã bị mo hoặc nứt dọc theo thân, 2 bản bị vỡ đôi. Chất lượng gỗ đã bị thoái hoá nặng, nhất là đối với các bản in có niên đại sớm.
Những pho kinh sách
Theo ông Tống Quốc Hưng, Phó Phòng Văn hóa – Thông tin TP Hội An: “Căn cứ nội dung có thể xác định đây là các bộ kinh quan trọng của Phật giáo đại thừa, gồm các bộ Di đà, Kim cương, Quan âm, Bát nhã ba la mật… Bên cạnh đó còn có các loại thần chú như Thập quỷ ủng hộ thần chú, Đại uy lực thần chú, Hựu thánh lục tự thần chú… Nhiều bản in độ điệp, pháp phái quy uy, kế thế truyền thừa…có niên đại khá sớm. Đây là cơ sở tư liệu để làm rõ về sự phát triển của Phật giáo ở Hội An và Đàng Trong”.
Một số mộc bản tại chùa Vạn Đức ghi chú năm khắc như 3 bộ kinh Di đà, Kim cương, Quan âm năm Thiên Thuận Nhâm Ngọ (1482). Nhiều moc bản được khắc trong nước vào thời nhà Lê.
Còn có những bản được khắc ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) và các chùa ở Hội An rồi chuyển về bảo quản. Cũng có những mộc bản được khắc tại Trung Quốc mang sang, như Bản in Tuyển tăng đồ (niên hiệu Khang Hy Giáp Thìn -1664).
Riêng tại chùa Chúc Thánh hiện có 11 bản kinh Phổ Môn, in liên hoàn, dài đến 13,5m gồm 14 bản in hai mặt.
Hình khắc về các hành trạng của Quan Âm Bồ tát với nét tinh xảo, có giá trị cao về nghệ thuật khắc gỗ. Tác giả không ai khác chính là những người thợ làng mộc Kim Bồng nổi tiếng của Hội An từ đầu thế kỷ 19.
Theo Thượng toạ Thích Đồng Mẫn, trụ trì chùa Chúc Thánh, thì tổ sư Minh Hải (đời thứ 34 dòng thiền Lâm Tế) từ Trung Hoa sang Việt Nam khai sơn tổ đình Chúc Thánh tại Hội An và đã xây dựng một triết lý riêng biệt cho dòng thiền Lâm Tế - Chúc Thánh.
Đó là triết lý “tri hành hợp nhất” đang được truyền thừa tại 67 ngôi chùa từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở vào, cũng như tại một số nước trên thế giới.
Ngay sau khi phát hiện, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã cử hàng chục cán bộ về các ngôi chùa để xem xét và tổ chức in dập tổng cộng 212 bản với 740 tờ. Tại chùa Vạn Đức đã in được 442 tờ bằng giấy dó, mực xạ; trong đó, mỗi mặt in 2 bản để lưu trữ và sử dụng nghiên cứu. |