Tour Rừng Dừa Bảy Mẫu | Tour Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh Hội An

https://rungduabaymau.com


Xanh xanh Cẩm Thanh

Cách Hội An hơn 4km về phía Đông Nam, Cẩm Thanh được ví như một “Nam Bộ trong lòng phố Hội” vì ở đây cây dừa nước phát triển tốt, giúp nhiều người dân “sống được”.

http://www.baodanang.vn/dataimages/201310/original/images942382_24_10__camthanh5.jpg

Du khách khám phá Cẩm Thanh bằng xe đạp. Ảnh: N.T.B

Xe đạp chính là phương tiện được nhiều du khách nước ngoài thường xuyên xử dụng khi đến Cẩm Thanh, dù ở đây đường sá quá tốt để đi xe máy và ô-tô. Nhưng đi xe đạp có cái thú vị mà ô-tô và xe máy không thể có được. Đó là sự cơ động.

Cẩm Thanh - xanh dừa, xanh lúa

Tôi rất thích cách làm du lịch của Cẩm Thanh, thích từ cách đặt tên những con đường làng vốn vô danh thành đường hoa cúc dại, đường dừa nước để thuận tiện cho du khách có thể tự khám phá bằng xe đạp, đi bộ hoặc khi… bất đồng ngôn ngữ; thích cả cái không gian vừa có đồng lúa xanh ngắt thẳng cánh cò bay rồi qua vài khúc rẽ lại tràn ngập rừng dừa nước. Nhưng thích nhất, có lẽ vậy, là những con người ở đây. Một cách mộc mạc nhất, họ làm du lịch bằng chính những gì họ đang có và vùng đất này đang có.

Vườn của ông Võ Tấn Mười là một trong những điểm bạn nên dừng chân để chuyện trò. Mảnh vườn không quá rộng nhưng có nhiều loài cây luôn đủ che cho cái nắng không bao giờ xuyên thấu xuống khoảng sân trước nhà. Cổng nhà ông Mười bằng tre, còn nguyên nét sơ sài như những làng quê vùng Bắc Bộ. Nhưng bước chân qua cánh cửa ấy là tràn ngập những đồ làm bằng tre: bộ bàn ghế hoàn toàn bằng tre với những gốc tre, trối tre uốn lượn như rồng bay phượng múa; hoặc các dụng cụ trang trí mỹ thuật bằng tre được chế tác rất công phu như điện thoại, giỏ đựng quả, bình hoa, vỏ đựng các chai rượu Tây, các loại đèn ngủ... Tất cả đều được làm thủ công, bằng đôi tay của ông Mười.

Rồi ông Mười đã lặng lẽ vào bên trong, dắt ra chiếc xe đạp bằng tre. Ông bảo, đây là sản phẩm do ông “cải tiến” nhưng “tốn công vô cùng”.

Chuyện ông Mười khéo tay, làm ra những sản phẩm bằng tre được nhiều người biết đến cũng đã lâu. Nhưng cách đây mấy tháng, khi một người khách Hà Lan “phượt” tới Cẩm Thanh đã bị “đứng hình” trước các sản phẩm của ông. Và ngay sau đó, vị khách này đã đặt vấn đề nhờ ông Mười “biến” chiếc xe đạp vốn toàn kim loại thành chiếc xe đạp tre.

Tre vốn dĩ thân thuộc với ông Mười từ nhiều chục năm. Tre cũng rất đỗi gần gũi với người Việt. Ở đất Cẩm Thanh này, tre vẫn reo vi vút trong không gian những sáng những chiều, nhưng đưa tre vào xe đạp thì ông Mười chưa nghĩ tới. Vì thế, nhận lời khách, ông mày mò làm tới làm lui. Cũng có lúc thất bại, như khi kết hợp tre với các chất keo để hoàn thiện cái cổ phốt cho chiếc xe đạp. Nhưng khó mấy ông Mười cũng đã chinh phục được, để hoàn thiện những chiếc xe đạp tre đầu tiên cho vị khách nước ngoài.

Ông Mười sẽ còn tiếp tục thực hiện ít nhất 20 chiếc nữa. Những chiếc xe hiện đại được mang tới cho ông “tháo tung ra” và thay thế. Hỏi ông Mười bao nhiêu một chiếc xe này, ông nói “vô giá lắm”. Và ông cũng tiếc, nếu một ngày nào đó, những chiếc xe đạp tre này rời đất Cẩm Thanh, theo vị khách về xứ Hà Lan để vị khách nọ mở một “tua” đạp xe đạp tre phục vụ du lịch.

Tôi đã được ông Mười cho đi thử chiếc xe đạp tre của ông. Một cảm giác thật đặc biệt. Và nếu những chiếc xe đạp tre được lăn bánh trên đất Cẩm Thanh này, len lỏi qua những con đường hai bên là rặng tre rặng dừa xanh ngắt, ắt hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên với du khách.

Rời nhà ông Mười, chúng tôi lại tiếp tục đạp xe xuyên qua Cẩm Thanh. Đến thôn Thanh Tam Đông - nơi có nghề thủ công làm tranh tre và dừa nước, bạn không thể bỏ lỡ dịp ghe chơi nà bà Sáu Mót. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên như tre, nứa… và phương pháp thủ công truyền thống, làm nhiều du khách nước ngoài thích thú. Rồi ghé xưởng mắm ngon nổi tiếng trong vùng của vợ chồng ông Tư Tài ở thôn Thanh Tam Tây. Mắm ngon, bởi nghe nói được chế biến hoàn toàn thủ công, lấy từ nguồn cá cơm ở Cửa Đại. Đi thêm chút nữa là nhà vườn của anh Võ Tấn Tân được làm từ tre, nứa, lá, đặt mua từ Thới Sơn, Hiệp Đức về.

Thương hiệu du lịch xanh

Rừng dừa Bảy Mẫu rộng khoảng 7.000m2, có tuổi đời trên dưới 200 năm, có xuất xứ từ đất Nam Bộ. Hiện nay, diện tích rừng dừa vào khoảng 84ha, và đang được người dân tiếp tục trồng và bảo tồn. Rừng dừa là môi trường sống cho nhiều loài thủy hải sản như cua càng tím, cá…, đồng thời là nơi cung cấp nguyên liệu cho nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở đây.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư xã Cẩm Thanh, đến nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào cho biết cây dừa nước “lạc” đến đất Cẩm Thanh này từ khi nào. Nhưng cứ theo sự truyền miệng của người dân địa phương, cây dừa nước có nguồn gốc xuất xứ từ Nam Bộ, đã ở lại Cẩm Thanh từ vài thế kỷ trước. Các cụ cao tuổi trong vùng kể lại, chính những thương lái buôn ghe bầu tại địa phương mang về trồng ở vùng ngập mặn.

Thời gian trôi, cây dừa nước đã sinh trưởng phát triển tốt thích nghi với môi trường nước lợ chua, mặn của vùng đất Cẩm Thanh. Cũng theo ông Hùng, ban đầu dừa được một số người dân địa phương trồng từng cụm nhỏ dọc theo các kênh rạch. Sau này, người dân tiếp tục nhân rộng và dừa nước phát triển thành rừng dừa quanh năm xanh tốt. Cây dừa nước hiện được trồng phổ biến trên các con sông, lạch ở Cẩm Thanh, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, thôn Vạn Lăng mà người dân thường gọi là rừng dừa Bảy Mẫu.

Đi thuyền thúng ngắm cảnh, câu mực, câu cua càng tím là “đặc sản” du lịch của xứ này. Vì thế, tôi không thể bỏ lỡ. Hoàng hôn đang buông, tôi vội xuống chiếc thuyền thúng của chị Dương Thị Nga. Vừa chèo thuyền đưa khách ra cồn, chị Nga vừa giới thiệu, thôn Vạn Lăng nằm ở phía Đông Bắc của rừng dừa Bảy Mẫu, có khoảng 1.000 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt thủy hải sản. Ngoài tôm cá, người dân nơi đây còn có loại đặc sản rất độc đáo, đó là “điệu hát bả trạo”. Để cầu cho sóng yên bể lặng trước mỗi chuyến ra khơi, những người dân chài nơi đây rất quan tâm tới việc thờ thần biển và các vị thần bảo hộ.

Trước mỗi lần hạ thủy, một đội xướng ca, thường gồm 13 người với một ông tổng xướng đứng trước lãnh trách nhiệm hát chính; hai bên là hai đội 6 người xếp hàng dọc 2 bên tay cầm mái chèo múa phụ họa. Nội dung của mỗi bài hát có thể thay đổi một chút tùy theo tình huống, nhưng nội dung chủ yếu vẫn là bày tỏ lòng tôn kính và kêu gọi sự bảo hộ của các vị thần biển, thần sông, thần bảo hộ sự an toàn của các ngư phủ.

Theo chị Nga, chỉ khoảng 30 hộ là thành viên của tổ du lịch cộng đồng để chèo thúng phục vụ khách. Nói đoạn, thúng đã đi sát các rặng dừa. Nước mênh mông. Còn những đám mây dệt nên một bức tranh thiên nhiên biến ảo và choáng ngợp. Khung cảnh ấy với chị Nga đã quá quen, tôi thấy chị đang nhìn vào những gốc cây dừa, nơi xúm xít những con cua càng tím.

Ngư dân vùng sông nước ai cũng biết chèo thúng. Bà Trần Thị Kéo đã 70 tuổi ngày ngày vẫn chèo thúng đưa khách đi. Mỗi giờ chèo thúng, người dân được 100.000 đồng/người, nhưng 20% thu nhập từ các tổ chở thuyền thúng sẽ được trích vào quỹ bảo tồn và phát triển rừng dừa.

Cẩm Thanh là một điển hình trong việc làm du lịch theo kiểu homestay ở Hội An và cũng có thể làm kinh nghiệm cho nhiều nơi khác, nếu muốn phát triển hình thức này. Người dân và chính quyền ở đây đã cùng nhau gây dựng “thương hiệu” du lịch xanh. “Làm sao phải để người dân hưởng lợi”, đó gần như là “bí quyết” căn bản được các cấp chính quyền ở đây áp dụng.

NGUYỄN THANH BÌNH

 

Nguồn tin: baodanang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây